Một số chuyên gia nhận định rằng việc chịu nhiều áp lực từ các đối tác trong liên minh đảng bảo thủ đã dẫn đến thái độ khá cứng rắn của ông trong bài phát biểu trên.
Hàng trăm ngàn người tị nạn đã đến Áo kể từ đầu tháng 9-2015. Hầu hết những người này đến từ các quốc gia Trung Đông, Afghanistan và những nơi khác nhằm chạy trốn khỏi tình hình xung đột và đói nghèo nghiêm trọng tại các quốc gia này.
Những người tị nạn này đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong vòng một thập kỷ qua.
Mặc dù hầu hết người tị nạn đều tiếp tục di chuyển sang Đức và chỉ có một phần nhỏ nộp đơn xin tị nạn tại Áo nhưng quốc gia này cũng đã phải rất vất vả để có thể cung cấp cho họ nơi ở thích hợp.
Thủ tướng Áo Werner Faymann trong Hội nghị Thượng đỉnh về di cư tại Valletta, Malta, 12-11 2015.
“Chúng tôi biết rằng không phải tất cả người tị nạn đều có lý do chính đáng cho việc này, vì vậy chúng tôi phải tăng cường việc trục xuất họ” - ông nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với tờ Oesterreich cho số báo hôm Chủ nhật vừa qua.
Thuật ngữ “người tị nạn” thường được Đức dùng để chỉ những người nhập cư nói chung, cho dù họ có đáp ứng được các tiêu chí để đánh giá là dân tị nạn như chạy trốn xung đột hoặc bắt bớ hay không.
Theo phát ngôn viên Bộ Nội vụ Áo, nước này đã nhận được khoảng 85.000 đơn xin tị nạn trong năm nay. Dự kiến đến cuối năm Áo sẽ nhận được khoảng 95.000 đơn, với tổng số dân tị nạn chiếm hơn 1% dân số nước này. Con số trên trong năm 2014 chỉ là 28.000 người.
Năm ngoái Áo đã phê duyệt 38% số đơn xin tị nạn, người phát ngôn cho hay.
Các thành viên nội các của đảng Nhân dân bảo thủ cho biết nước này đang đạt tới giới hạn sức chứa của mình. Họ hy vọng các biện pháp kiểm soát mới và các biện pháp quản lý đám đông tại biên giới với Slovenia sẽ hạn chế lượng người nhập cư đến Áo.
Đảng Tự do cực hữu đã giành được nhiều sự ủng hộ bằng cách kêu gọi các biện pháp như xây dựng một hàng rào quanh biên giới nhằm hạn chế người nhập cư.
Thủ tướng Faymann, thành viên của đảng Dân chủ Xã hội, nhìn chung đã có giọng điệu mềm mỏng hơn khi đánh giá vấn đề so với những người bảo thủ khác. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các quyết định chính sách của ông đều được phối hợp chặt chẽ với người đồng nhiệm Đức là bà Angela Merkel.
Tại một hội nghị của đảng bảo thủ vào tuần này, bà Merkel cũng đã cam kết “giảm đáng kể số lượng người tị nạn”, nhằm làm dịu đi những lời chỉ trích của các nhà phê bình.
Tờ Oesterreich cũng trích dẫn lời dự đoán của ông Faymann khi cho rằng tình hình sẽ "thậm chí còn khó khăn hơn" trong năm tới.
“Tại thời điểm này có thể có ít người tị nạn tới Áo nhưng ta không nên nhầm lẫn rằng tình hình đang được cải thiện” - Faymann được dẫn lời nói.
“Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị các biện pháp ngay từ bây giờ để đối phó với các tình huống có thể xảy ra” - ông cho biết thêm.
Điều phối viên cuộc khủng hoảng tị nạn của Đức mới đây cho biết Đức và Áo đang cùng nhau hợp tác để cho ra đề xuất về một luật tị nạn chung châu Âu.