Theo Express (Anh), mục tiêu của kế hoạch này là khuyến khích người dân đi làm. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hơn 10% lực lượng lao động Phần Lan đang không có việc làm, giữ mức kỷ lục trong vòng 15 năm qua. Đặc biệt, tỉ lệ thất nghiệp ở giới thanh niên lên đến 22,7%.
Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila. (Ảnh: Express)
Kế hoạch này do Viện Bảo hiểm xã hội Phần Lan đề nghị, cho phép mọi cư dân trưởng thành hằng tháng đều có một khoản tiền lương cơ bản trị giá 860 USD/người. Người dân sẽ không phải đóng thuế cho khoản thu này, theo Condé Nast Traveler.
Viện Bảo hiểm xã hội Phần Lan cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến, trong đó 69% cư dân Phần Lan ủng hộ ý tưởng phân phát thu nhập cơ bản cho toàn bộ cư dân. Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila cũng ủng hộ kế hoạch này. “Đối với tôi, thu nhập cơ bản có nghĩa là đơn giản hóa hệ thống an sinh xã hội”.
Hiện đề án này vẫn còn trong giai đoạn trứng nước và chưa công bố các đề xuất cụ thể. Nhưng trước tiên, dự kiến giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ được tiến hành, trong đó mức thu nhập cơ bản của cư dân chỉ ở mức gần 600 USD và một số khoản trợ cấp xã hội vẫn được giữ lại, theo Mashable.
Đề nghị này sẽ được chính phủ quyết định vào tháng 11-2016. Hiện Phần Lan có 5,4 triệu dân với GDP lên đến 267 tỉ USD, tương đương thu nhập bình quân đầu người 49.000 USD.
Phần Lan không phải là nơi đầu tiên thực hiện kế hoạch “phát không” cho người dân một mức thu nhập cơ bản. Việc này cũng xảy ra ở TP Dauphin, tỉnh Manitoba (Canada). Trong những năm 1970, TP Dauphin cũng thực hiện kế hoạch có tên MINCOME, trong đó chính phủ sẽ phân phát cho mỗi đơn vị gia đình một số tiền nhất định. Song, dự án này bị hủy bỏ vào năm 1979. Một số TP và quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành kế hoạch tương tự, trong đó có TP Utrecht, Hà Lan sẽ thử nghiệm vào tháng 1-2016.
Với việc thu nhập không đều đang là mối quan tâm ở hầu hết mọi quốc gia, nhiều nước cũng đã thử nghiệm với đề xuất mức thu nhập cơ bản. Theo Mashable, Một nghiên cứu học thuật năm 2008 chỉ ra rằng việc chính phủ phát không tiền như vậy cho công dân đem lại hiệu quả trong việc cắt giảm chi phí của chính phủ.
Về mặt lý thuyết, thu nhập cơ bản là khái niệm hấp dẫn về mặt chính trị, bởi nó làm hài lòng những người thuộc cánh tả vốn rất quan tâm tới việc nâng cao mạng lưới xã hội, cũng như những người thuộc đảng bảo thủ, vốn phản đối bộ máy quan liêu lớn. Vì thế, việc “phát không” mức thu nhập cơ bản cho công dân dường như đều thu hút sự quan tâm của cả hai phía.
Tuy nhiên, ở từng nước khác nhau lại có phản ứng khác nhau trước để xuất này. Ở Thụy Sĩ, cuộc trưng cầu dân ý về việc phân phát thu nhập cơ bản đã gặp phải sự phản đối rộng lớn từ cả hai phía. Những người bảo thủ lo sợ rằng việc phân phát hàng tháng như vậy sẽ khiến người dân thêm phần lười biếng và tạo nên một làn sóng di dân không bền vững, trong khi những người thuộc đảng cánh tả lại phản đối việc triệt tiêu hệ thống xã hội khi thực hiện kế hoạch này.
Người xin tị nạn ở Phần Lan tham gia một sự kiện thể thao. (Ảnh: Reuters)
Người tị nạn phải làm không công?
Trong một tuyên bố có liên quan, hôm 8-12, chính phủ Phần Lan thông báo sẽ yêu cầu những người xin tị nạn làm việc không lương và phải chấp nhận “khung chương trình quốc gia” về văn hóa và xã hội của Phần Lan. Hiện quốc gia này đang tung ra các biện pháp siết chặt chính sách nhập cư ở nước này.
Phần Lan cũng sẽ thường xuyên tái đánh giá các điều kiện về quê hương của những người tị nạn hai lần mỗi năm và nếu thấy cần thiết, chính phủ sẽ hủy bỏ giấy phép cư trú cho phù hợp. Sau việc tái đánh giá mới nhất về quốc gia Afghanistan, chính phủ Phần Lan cho nay sẽ không cấp quyền được bảo vệ cho những người xin tị nạn đến từ miền Nam và Đông Afghanistan.
Hiện có khoảng 32.000 người xin tị nạn đã đến Phần Lan trong năm nay, trong khi đó số người xin tị nạn trong năm ngoái chỉ 3.600 người. Phần Lan cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ cho hồi hương những người tị nạn không đủ điều kiện xin tị nạn. Ước chừng 2/3 số người tị nạn đang lưu trú ở nước này bị đuổi.
Chính phủ Phần Lan cũng cho hay sẽ bắt đầu giao việc làm cho những người xin tị nạn đã tới tuổi lao động với những hành động mang nhiều ý nghĩa nhằm giảm bớt sự thất vọng trong họ. Phần Lan cũng sẽ soạn thảo một gói thông tin về văn hóa và xã hội Phần Lan, nêu bật lên quyền phụ nữ và trẻ em.
Bộ trưởng Lao động Phần Lan Jari Lindstrom cho hay tất cả người xin tị nạn đều phải chấp nhận khung chương trình quốc gia này. Không ai được phép nói mình không biết nó.