Khủng hoảng nhập cư châu Âu: Biểu tình và khẩu chiến

Hôm nay (14-9), hội nghị đặc biệt của các bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức tại Brussels (Bỉ) nhằm xóa bỏ bất đồng giữa các nước thành viên EU về vấn đề tiếp nhận người nhập cư.

Trước hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt đã chỉ trích EU thất bại hoàn toàn trong kiểm soát biên giới EU.

Tình trạng các nước EU chia rẽ vì người nhập cư đã bộc lộ rõ rệt trong ngày cuối tuần 12-9.

Trong khi hàng chục ngàn người biểu tình yêu cầu các nước dang tay đón tiếp thêm người nhập cư thì hàng chục ngàn người cũng hô hào ngừng tiếp nhận người nhập cư.

Tại London (Anh), những người biểu tình đưa cao biểu ngữ nêu: “Hãy mở cửa biên giới!”, “Phải tính đến cuộc sống người di cư”. Họ yêu cầu chính phủ Anh áp dụng chính sách độ lượng hơn với người nhập cư.

 
Biếm họa của PAT BAGLEY (báo Salt Lake Tribune của Mỹ)

Lãnh đạo Công đảng (đối lập) Jeremy Corbyn đã hòa mình trong dòng người biểu tình.

Trước đó, do sức ép dư luận, Thủ tướng David Cameron đã thông báo tiếp nhận thêm 20.000 người nhập cư Syria trong năm năm.
Tại Đan Mạch, 30.000 người tham gia tuần hành ở Copenhagen. Những người biểu tình kêu gọi tiếp nhận thêm người nhập cư giữa lúc chính phủ đang tìm cách ngăn chặn người nhập cư.

Biểu tình ủng hộ người nhập cư cũng đã diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha), Stockholm (Thụy Điển), Helsinki (Phần Lan), Lisbon (Bồ Đào Nha). Tại Pháp, ít người hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình. Tổng thống François Hollande đã đến thăm trung tâm tiếp nhận người xin nhập cư Syria gần Paris trong khi Bộ Nội vụ đã mời 700 thị trưởng về dự họp bàn cách thức tiếp nhận người nhập cư.

Tại Đức cũng chỉ có vài trăm người biểu tình ủng hộ người nhập cư.

Trái ngược với các cuộc biểu tình ủng hộ người nhập cư, tại Warsaw (Ba Lan), 10.000 người xuống đường giương cao khẩu hiệu “Hồi giáo là cái chết của châu Âu”. Họ đề nghị hủy bỏ quyết định tiếp nhận tín đồ Hồi giáo.

Reuters ghi nhận một người da màu đã bị đám đông biểu tình đánh.

Biểu tình chống nhập cư được tổ chức theo lời kêu gọi của các tổ chức cực hữu như Phong trào dân tộc (Ruch Narodowy), Cánh quốc gia cực đoan (Obóz Narodowo-Radykalny).

Biểu tình phản đối người nhập cư cũng diễn ra ở Bratislava (Slovakia), Prague (Cộng hòa Czech). Tại Prague, các diễn giả còn kêu gọi chính phủ rời bỏ EU.

Trong khi đó, khẩu chiến bùng nổ giữa các ông lớn của nước muốn ngăn chặn và nước muốn tiếp nhận người nhập cư.

Trả lời tuần báo Đức Der Spiegel, Thủ tướng Áo Werner Faymann chỉ trích cách cư xử của Hungary khi chất đống người nhập cư lên tàu hỏa để đưa họ đi càng xa càng tốt. Ông nói cách làm này của Hungary đã nhắc nhớ quá khứ đau buồn thời người Do Thái bị lưu đày.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố phát biểu của thủ tướng Áo không xứng với một nhà lãnh đạo châu Âu ở thế kỷ 21. Hungary đã triệu đại sứ Áo đến để phản đối.

Ông Peter Szijjarto cho rằng từ nhiều tuần nay thủ tướng Áo đã mở “chiến dịch chỉ trích dối trá” về Hungary với “các tuyên bố vô trách nhiệm chỉ tạo ra ảo tưởng cho người di dân”, do đó sẽ gây khó khăn cho châu Âu trong quá trình tìm kiếm một giải pháp chung giải quyết khủng hoảng nhập cư.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) hôm 9-9 đã phỏng vấn bà Zainab Abbas tại Baghdad (Iraq). Gia đình bà đi chung thuyền với gia đình ông Abdullah Kurdi người Syria, cha của bé Aylan Kurdi (chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ). Bà nói ông này đi trên thuyền với tư cách người đưa người vượt biên. Báo đến gặp ông Abdullah Kurdi tại Kobani (Syria) để hỏi cho ra lẽ. Ông phân trần ông điều khiển thuyền vì tên đưa người vượt biên đã nhảy xuống biển tự cứu sau khi động cơ hỏng.

___________________________________

430.000  người di cư và người tị nạn đã vượt Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay theo công bố của Tổ chức Di dân quốc tế. Trong đó có 2.748 người chết hoặc mất tích. 50% là người Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm