Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đi đầu mở cửa đón người tị nạn, được coi là “lương tâm của châu Âu” và chính sách của bà đã được nhiều người ủng hộ. Thế nhưng khi dòng người tị nạn vẫn liên tục ồ ạt đổ về châu Âu đến mức quá tải thì chính sách này của bà đang phải hứng chịu không ít chỉ trích. Nhiều nước châu Âu từ lâu đã không mặn mà gì với việc tiếp nhận người tị nạn, giờ đây đến cả Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu, cũng là cánh tay đầu tiên cứu vớt người tị nạn cũng “lắc đầu” thì cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ lại lâm vào thế khó.
Bài toán của lòng khoan dung
Theo công bố của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ước tính từ đầu năm tới nay, hơn 880.000 người tị nạn và nhập cư từ các nước châu Phi, châu Á, Trung Đông đã đến châu Âu và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016. Làn sóng khổng lồ này đã thử thách “lòng khoan dung” của các quốc gia châu Âu, kể cả những nước có chính sách rộng mở đối với người tị nạn như Phần Lan hay Na Uy. Việc xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn càng lúc càng khó khăn khiến các nước “thân thiện” này cũng phải tìm cách lọc bớt người tị nạn ra khỏi quốc gia mình.
Chính phủ Na Uy mới đây đã công bố chính sách “đuổi khéo” người tị nạn. Theo đó, những người tị nạn ở nước này sẽ được nhận một khoản tiền nếu họ đồng ý rời Na Uy về lại quê hương. Cụ thể, mỗi gia đình ba người gồm vợ chồng và một đứa con sẽ được lãnh khoảng 8.000 bảng Anh và vé máy bay một chiều để “một đi không trở lại”. Chính sách này sẽ được áp dụng cho tất cả người nhập cư từ các nước như Syria, Somalia, Iraq… hiện đang sống tại Na Uy. Đây được xem là kinh phí cho những người tị nạn đi lại và hỗ trợ tái thiết cuộc sống sau khi họ về nước.
Trong khi đó, ở Phần Lan, đất nước có thủ tướng từng tuyên bố trưng dụng nhà riêng cho người tị nạn đến ở cũng đã phải đong đếm lợi hại kinh tế khi ngày càng nhiều người tị nạn tới nước này. Hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Juha Sipila cho biết Phần Lan sẽ thắt chặt kiểm soát chính sách đối với người di cư tới nước này, bao gồm từ chối tiếp nhận những người không đủ điều kiện xin tị nạn và nhanh chóng trả họ về nước, đồng thời đánh giá tình hình người tị nạn hai năm một lần để sàng lọc. Thậm chí theo Telegraph, chính phủ nước này sắp tới còn yêu cầu những người tị nạn làm việc không công. Bộ trưởng Việc làm Phần Lan - ông Jari Lindstrom nói rằng: “Không cần phải là những công việc có lương, chỉ cần họ làm những việc ngoài trời. Họ càng nhàn rỗi thì sẽ càng chán chường”.
Người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đánh cược cả sinh mạng để tới châu Âu. Ảnh: REUTERS
Châu Âu đồng loạt thay đổi chính sách
Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 25-11 đã phải lên tiếng tuyên bố rằng các quốc gia châu Âu đã tới ngưỡng giới hạn và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào nữa. Báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) dẫn lời ông Valls nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể cung cấp chỗ ở cho thêm bất cứ người tị nạn nào nữa ở châu Âu”. Tại Thụy Điển, Thủ tướng Stefan Löfven mới đây đã khẳng định quốc gia châu Âu này bất lực, không thể tiếp nhận thêm người tị nạn. Còn bà Asa Romson, Phó Thủ tướng Thụy Điển, cũng phải ngấn lệ khi phải thông báo các biện pháp mới hạn chế tiếp nhận người tị nạn vào nước này.
Đến cả quốc gia đi đầu như Đức cũng phải thay đổi. Mặc dù đã “rộng lượng” đưa ra con số tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm 2015 nhưng số người đăng ký xin tị nạn ở Đức đã vượt quá con số 1 triệu. Hôm 13-12, đích thân Thủ tướng Angela Merkel đứng trước tình hình đó đã nói rằng bà muốn giảm đáng kể số người tị nạn vào Đức, quyết định này được cho là để giải quyết sự quá tải và cũng để xoa dịu những chỉ trích nhằm vào chính sách tiếp nhận người tị nạn của bà. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã tuyên bố rằng nước này có thể sẽ từ chối tiếp nhận người tị nạn ngay tại khu vực biên giới.
Bên cạnh những tuyên bố không nhận thêm người tị nạn, châu Âu còn đưa ra các biện pháp để ngăn làn sóng di cư lớn hiện nay. Bà Merkel cho biết Đức muốn giảm rõ rệt tần suất người tị nạn vào nước này, song không chỉ gồm biện pháp nội bộ nước Đức. Pháp, Đức đã đề nghị Hy Lạp, Ý và các nước tiếp nhận người tị nạn khác siết chặt quy trình xét duyệt đơn xin tị nạn và thẩm tra thông tin. Ngày 15-12, Ủy ban châu Âu (EC) công bố sẽ thành lập một cơ quan biên giới và cảnh sát biển với quyền lực lớn để đảm bảo an ninh biên giới khối Schengen và xử lý khủng hoảng tị nạn. Theo kế hoạch, EC sẽ trực tiếp quản lý cơ quan biên giới mới này và sẽ có quyền ra quyết định triển khai lực lượng biên phòng tới biên giới một quốc gia thành viên nếu xác định nước đó không kiểm soát an ninh biên giới một cách hiệu quả. Cao ủy Di trú của EU - ông Dimitris Avramopoulos khẳng định giải pháp của EC là cần thiết khi mà chính phủ các nước châu Âu đang bất lực trước làn sóng người tị nạn khổng lồ tràn vào châu Âu hiện nay. Ông nhấn mạnh chính phủ các nước đang nỗ lực chống chọi nhưng không đủ sức.
Các nước châu Âu tăng cường kiểm soát biên giới ngăn dòng người tị nạn. Ảnh: REUTERS
Lợi chưa thấy, hại đã nhiều
Một số nhà phân tích nhận định việc tiếp nhận người tị nạn không chỉ mang lại lợi ích cho các nước châu Âu về khía cạnh nhân đạo và thiện chí về trách nhiệm trên trường quốc tế, mà còn tạo ra cơ hội phát triển cho các nước này. Trên trang The Market Mogul, chuyên gia kinh tế Patrick Artus của ngân hàng Pháp Natixis nhận định người tị nạn tới châu Âu sẽ có thể bổ sung một nguồn lao động tương đối lớn cho các nước tiếp nhận, qua đó thúc đẩy tổng thu nhập cho nền kinh tế châu Âu. Ở một góc nhìn cụ thể hơn, nhà nghiên cứu Nancy Green tại trường nghiên cứu chuyên sâu về khoa học xã hội ở Paris cho rằng người tị nạn nói riêng và người nhập cư nói chung thường làm những công việc mà người bản xứ không muốn lựa chọn, vì thế đây là một cơ hội cho guồng máy kinh tế và xã hội châu Âu.
Tuy nhiên, những lợi ích đó chưa thấy đâu thì hàng loạt mối lo ngại đã đè nặng lên các nước châu Âu. Trước hết về mặt kinh tế, các nước châu Âu sẽ phải bỏ ra khoản ngân sách không nhỏ để tiếp nhận những người tị nạn, bao gồm việc xây dựng các trung tâm tị nạn, các khoản hỗ trợ về phúc lợi, chưa kể chi phí phục vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển đối với những người bất chấp tính mạng vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Bên cạnh đó, sức ép về mặt xã hội như vấn đề việc làm, y tế, giáo dục, giao thông cũng sẽ trở thành gánh nặng đối với các nước châu Âu.
Thêm vào đó, vấn đề xung đột về tôn giáo và văn hóa khi những người tị nạn tới châu Âu cũng đã được đặt ra. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình. Nhiều người còn lo ngại về nguy cơ luật của người Hồi giáo lấn át luật pháp quốc gia.
Mối lo ngại an ninh đã trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây và là dấu mốc cho những vận động chính sách của các nước châu Âu đối với người tị nạn. Các cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại thủ đô Paris đêm 13-11 khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) bình luận đêm ác mộng tại Paris đã bẻ hướng cuộc tranh luận về chính sách người nhập cư thành một cuộc tranh luận về an ninh quốc gia tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Vấn nạn nhập cư lậu trong làn sóng di cư ồ ạt đã khiến các nước châu Âu trở tay không kịp nay lại phải đối mặt với những phần tử cực đoan. Dù trấn an dư luận nhưng vụ tấn công khủng bố ở Paris cũng làm các quốc gia châu Âu không tránh khỏi lo ngại các phần tử khủng bố lợi dụng khủng hoảng di cư để tới châu Âu và thực hiện âm mưu tấn công của mình. Điều đáng nói là rất nhiều người tị nạn, nhập cư đến từ Trung Đông và châu Phi, đặc biệt là từ Syria - vùng chiến sự với sự kiểm soát của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).