Tuần vừa qua, bức ảnh ngày 2-9 chụp thi thể của Aylan Kurdi, chú bé người tị nạn chỉ mới ba tuổi gốc Syria, trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã làm lay động không chỉ châu Âu mà cả thế giới. Công dân, các kênh truyền thông đã rầm rộ tạo sức ép buộc chính phủ nhiều nước châu Âu nới rộng chính sách và tăng cường hỗ trợ người tị nạn. Với sự xuất hiện của bức ảnh, quan điểm của châu Âu đối với người tị nạn cứ như đã quay ngoắt 180 độ, từ sợ hãi chối bỏ đến mở cửa đón chào.
Hai gương mặt của châu Âu
Trước và sau bức ảnh gây chấn động của bé Aylan Kurdi, quan điểm của đại đa số người dân và chính quyền châu Âu như hai gương mặt hoàn toàn trái ngược nhau. Khác với thái độ khẩn trương yêu cầu chính quyền đón nhận người tị nạn như hiện nay, đa số dư luận châu Âu từng xem người tị nạn là một gánh nặng không ai mong muốn và không đoái hoài gì đến việc sống chết của họ. Chỉ có nước Đức là quốc gia hiếm hoi trong Liên minh châu Âu (EU) khi đó là đồng ý tiếp nhận khoảng 800.000 người tị nạn trong năm 2015.
Trong một bài viết hồi tháng 4-2015, cây viết lâu năm của tờ The Sun (Anh) là Katie Hopkins thậm chí đã từng so sánh những người tị nạn như “những con gián” với “khả năng sinh tồn cao” và nên “ở lại Bắc Phi mà sáng tạo”. Hopkins còn gợi ý rằng Anh cùng các nước châu Âu cần phải mang pháo hạm ra Địa Trung Hải để chặn những tàu chở người tị nạn cập bến châu Âu. Ý kiến đầy tranh cãi của Hopkins được đưa ra chỉ vài giờ trước khi xuất hiện thông tin một tàu chở người tị nạn bị đắm ngoài khơi nước Ý với số người thiệt mạng khi đó nghi sẽ lên đến gần 950 người.
Trong phát ngôn ngày 10-8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng mô tả những người nhập cư đến từ châu Phi như “những kẻ hôi của”. Theo tờ The Guardian, ông còn vẽ ra viễn cảnh đáng sợ rằng châu Âu sẽ “không thể tự vệ” nếu như tiếp nhận ồ ạt người dân đến từ những xã hội có chuẩn mực sinh sống thấp hơn, làm sụp đổ sự văn minh của phương Tây.
Thế nhưng sau sự xuất hiện của bức ảnh đặc biệt trên, cũng chính tờ báo The Sun đã đặt từ khóa “Vì Aylan” lên ngay trang nhất của mình và đề xuất chính phủ cần nhanh chóng cung cấp chỗ ở cho gần 3.000 trẻ tị nạn mồ côi. Theo hãng tin BBC, chỉ mới đầu tuần trước, ông Cameron còn phát biểu rằng việc tiếp nhận người tị nạn sẽ không phải là câu trả lời cho tình hình khủng hoảng hiện tại.
Thế nhưng sau cuộc hội đàm ngày 4-9 với người đồng cấp ở Bồ Đào Nha, một ngày sau khi bức ảnh của Aylan xuất hiện trên trang nhất của gần như mọi tờ báo tại Anh, ông Cameron đã tuyên bố nước Anh có “trách nhiệm đạo đức” với những người bị mất nhà cửa vì cuộc nội chiến kéo dài bốn năm qua tại Syria.
Chính phủ của ông David Cameron đã lên tiếng sẽ hỗ trợ việc tái định cư cho thêm hàng ngàn người tị nạn và đưa ra gói viện trợ nhân đạo gần 100 triệu bảng Anh (khoảng 151,7 triệu USD) cho các trại tị nạn ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan. Trong khi đó, từ chỗ chần chừ không thể quyết định, chính phủ Áo ngày 4-9 cũng đã tuyên bố đồng ý tiếp nhận thêm người tị nạn từ Hungary vào nước mình. Trong khi đó, chính quyền Hungary cũng bất ngờ đồng ý huy động xe buýt hỗ trợ đưa gần 1.200 người tị nạn đến lãnh thổ Áo an toàn.
Tranh biếm họa của Martin Rowson về cách phản ứng của Thủ tướng David Cameron trước vấn đề người tị nạn sau sự xuất hiện của bức ảnh chụp bé Aylan (vẽ lại một phần ở góc cuối bên phải). Ảnh: THE GUARDIAN
Người tị nạn bị giữ lại tại nhà ga Bicske (Hungary) ngày 4-9. Ảnh: REUTERS
Sức lay động đến trái tim
Trước sự thay đổi nhanh đến chóng mặt trong cuộc tranh luận về vấn đề người tị nạn, tờ The Guardian bình luận không phải là những số liệu khủng khiếp về Syria như 200.000 người chết và 11 triệu người tị nạn, mà dường như chính những hình ảnh và câu chuyện mới có đủ sức lay động lương tâm con người và tạo ra sức tác động theo cách mà những lý lẽ suông không bao giờ làm được.
Ian Jack trên tờ The Guardian bình luận về bức ảnh: “Hình ảnh cậu bé Aylan không còn sức sống, với gương mặt úp xuống biển, đã đại diện cho sự thật phũ phàng rằng cái chết có khả năng biến đổi cả đứa trẻ tràn đầy sức sống nhất thành xương thịt không hồn”.
Bức ảnh của cậu bé ba tuổi đánh mất sự sống trên con đường trốn thoát khỏi chiến tranh ở quê nhà mang tính biểu tượng cho cuộc khủng hoảng người tị nạn đến mức theo bình luận của Roy Greenslade - giảng viên ngành báo chí ĐH City University (London), chắc chắn sẽ được tái bản nhiều lần trong nhiều năm tới. “Chỉ trong một khung hình, bức ảnh đã gói gọn toàn bộ bi kịch của những người đang trốn chạy khỏi sự đàn áp và sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để được an toàn ở phương Tây”.
Bức ảnh này đã gây chấn động đến mức ngay cả những tòa soạn nào tại châu Âu từng cổ súy phong trào chống người tị nạn trong thời gian qua cũng phải dành sự trang trọng nhất định cho bức ảnh này và cả câu chuyện thương tâm đằng sau nó trên mặt báo của mình. Sự thương tâm trong bức ảnh đã làm được một điều mà những con số về người tị nạn thiệt mạng bấy lâu nay không làm được: Aylan cho người tị nạn một cái tên, trở thành những con người bình đẳng với những khát vọng sống dang dở giờ đây đã tan biến theo sóng biển.
Tờ The Guardian nhận định những người chết vì thảm họa bên ngoài lãnh thổ châu Âu và Bắc Mỹ thường hiếm khi nào được guồng máy truyền thông phương Tây xác định rõ danh tính, trừ khi họ là người châu Âu hay là người vùng Bắc Mỹ.
Trong các hình ảnh được đăng tải, truyền thông của phương Tây thường đơn giản chỉ nhắc đến những người thiệt mạng như những đối tượng không tên xấu số, chết đuối giữa dòng lũ hoặc là nạn nhân bởi chiến tranh. Những số liệu thương vong quá lớn giữa dòng thác thông tin thời sự làm người đọc quên đi câu chuyện đằng sau những cái chết và làm bào mòn sự thương cảm người-người để tạo động lực cho hành động.
Và giờ đây, hiệu ứng lan tỏa của bức ảnh lớn đến mức nó đặt sức ép về vấn đề người tị nạn từ Syria và Iraq lên một quốc gia cách xa châu Âu đến nửa vòng Trái đất là nước Úc. Thủ tướng Tony Abbott ngày 6-9 đã chính thức lên tiếng sẽ cử Bộ trưởng Bộ Di trú Peter Dunn đến hội đàm khẩn với cơ quan chuyên trách về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc khi nhận thấy dấu hiệu một “thảm họa nhân đạo” xảy ra tại khu vực.
Vì sao Vùng Vịnh không cứu người tị nạn? Truyền thông phương Tây trong cơn khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đã bắt đầu chĩa mũi dùi vào các quốc gia Vùng Vịnh giàu có như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng cửa không tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Ả Rập Saudi thực chất đã tiếp nhận đến gần 500.000 người Syria trong thời gian qua. Tuy nhiên, vì quốc gia này không ký công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, những người Syria hiện sống tại Ả Rập Saudi không được xác nhận là người tị nạn. Tuy nhiên, việc Ả Rập Saudi không chấp nhận thêm người tị nạn, hay UAE thà chi tiền viện trợ cho các trại tị nạn quá tải tại Lebanon chứ quyết không nhận người tị nạn vào nước mình cũng bị thúc đẩy bởi các lý do về an ninh quốc gia. Theo Bloomberg, đại đa số người Syria bị mất nhà cửa và phải từ bỏ quê hương lại là những người Hồi giáo dòng Sunni. Cụ thể, trong số 1.519 người Syria mà Mỹ đã nhận vào nằm 2011, hết 1.415 người đã theo dòng Sunni. Nhưng đồng thời, đa số những khu vực theo dòng Sunni tại Syria lại là cơ sở hoạt động của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, đối tượng không kích hiện nay của quân đội Ả Rập Saudi và UAE. Mặt khác, các quốc gia Vùng Vịnh hiện nay đang cố duy trì sự cân bằng mong manh giữa các sắc tộc và tôn giáo trong nội bộ nước mình. Sự gia tăng về số lượng người Sunni phần nào đe dọa phá vỡ tình hình an ninh hiện tại mà chính phủ các nước đang gìn giữ. |