Chính phủ Đức đã đồng ý mở cửa “vô điều kiện” cho dòng người tị nạn đến từ Syria. Thế nhưng đối mặt với dòng người tị nạn đổ về hướng nước Đức ngày một đông, chính quyền Hungary và Áo lại lên tiếng chỉ trích quyết sách của Đức làm gia tăng tình trạng hỗn loạn tại các nhà ga xe lửa, đường sá và các tuyến biên giới của hai quốc gia này. Một giải pháp chung của Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất khu vực từ sau Thế chiến thứ hai đang bị cản trở bởi sự mâu thuẫn quá lớn trong lòng châu Âu.
Hỗn loạn
Sự kiện thi thể 71 người tị nạn được tìm thấy trong một xe tải bỏ trống trên đường cao tốc đi từ thủ đô Budapest (Hungary) đến Vienna (Áo) đã làm chấn động châu Âu về tình hình buôn người không thể kiểm soát được ở châu lục này. Nhưng bên cạnh đó, làn sóng chỉ trích cũng nhắm vào những động thái thiếu tính thiết thực của các quốc gia châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn.
Chính phủ Hungary ngày 31-8 bất ngờ tuyên bố không cho người tị nạn bước vào cửa chính của thủ đô Budapest. Tất cả chuyến tàu đi về Tây Âu đều bị chính quyền Hungary cho dừng hoạt động. Cảnh sát với áo giáp và gậy chống bạo động bao vây nhà ga Keleti tại Budapest, “càn quét” người tị nạn và người nhập cư ra khỏi nhà ga. Theo Washington Post, những người tị nạn này đã cắm trại bên ngoài nhà ga lớn tại Hungary hàng tuần trước đó.
Đến đêm 31-8, có gần 300 người tị nạn vẫn bị cảnh sát cách ly khỏi nhà ga, hô các khẩu hiệu đòi được cho phép di chuyển đến Đức bất chấp hàng rào cảnh sát khiến tình hình trở nên căng thẳng. Cuối cùng, chính quyền thành phố cũng phát thông báo cho phép những người tị nạn nào đủ “giấy tờ hợp pháp” sẽ được giải quyết đi đến Tây Âu.
Theo tờ Washington Post, trong năm nay Hungary dự kiến sẽ phải tiếp nhận đến 150.000 đơn xin tị nạn. Chính phủ nước này đã lên kế hoạch xây dựng một hệ thống hàng rào dây kẽm gai dài gần 175 km và có chiều cao đến 4 m trải dài khắp biên giới phía nam để ngăn cản dòng người tị nạn chủ yếu đổ về từ Syria và Hy Lạp.
Trong khi đó, sau bán đảo Ý và Hy Lạp, giờ đây đến lượt nước Áo sắp trở thành một điểm nóng mới nhất của cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Hiện đã có khoảng 80.000 người gửi đơn xin tị nạn tại quốc gia này. Trung tâm người tị nạn Traiskirchen ở thủ đô Vienna đã trở thành “chốt dừng” đầu tiên của dòng thác người tị nạn từ Trung Đông đổ đến các quốc gia Tây Âu. Theo tờ The Guardian, hiện có khoảng 4.800 người tị nạn được cho ở tạm trong một doanh trại cũ xây từ những năm 1960, vốn chỉ được thiết kế cho 1.000 người ở.
Đại diện Tổ chức Tị nạn Quốc tế, ông Heinz Patzelt, mới đây đã mô tả tình trạng tại trung tâm người tị nạn tại Áo là “vô nhân đạo” và “đáng xấu hổ”. Chưa bao giờ tại châu Âu kể từ sau chiến tranh lạnh, các quốc gia lại trở nên “khép kín” như hiện nay.
Người tị nạn bên ngoài nhà ga Budapest biểu tình bằng cách giơ cao các đứa trẻ nhằm đòi quyền được đối xử nhân đạo. Ảnh: REUTERS
Đùn đẩy trách nhiệm
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lên tiếng từ chối đề xuất từ bà Merkel về việc xây dựng một hệ thống hạn mức người tị nạn trên toàn EU. Ông khẳng định: “Có những nước không muốn có người tị nạn. Bạn không thể buộc bất kỳ nước nào phải tiếp nhận người tị nạn vào lãnh thổ nước họ”. Thời gian qua, hai quốc gia “tuyến đầu” đón nhận dòng thác người tị nạn là Hungary và Cộng hòa Czech đã có kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang đến biên giới để ngăn cản người tị nạn từ Syria di chuyển vào nước này.
Hiện nay EU vẫn chưa có một cơ chế chung áp dụng cho tất cả quốc gia thành viên về vấn đề người tị nạn. Theo tờ The Guardian, quyền quản lý người tị nạn và người nhập cư vẫn phần lớn được nắm bởi các chính phủ quốc gia thành viên và mỗi nước lại có một chính sách khác nhau. Chính điều này tạo nên cớ để những quốc gia Đông Âu, vốn có năng lực kinh tế và khả năng hỗ trợ phúc lợi xã hội thấp hơn, thoái thác trách nhiệm.
Tuy nhiên, những quốc gia thành viên Đông Âu cũng có lý lẽ riêng của mình. Ông János Lázár, trợ lý của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, lên tiếng đổ lỗi cho EU: “Chính những chính sách trong vòng 10 năm qua đã tạo nên tình cảnh hiện nay. Bất kỳ ai cũng có thể được cho phép bước chân vào lãnh thổ EU… Chúng ta không thể tự bảo vệ được biên giới của chính mình”.
Tổng thống Cộng hòa Czech, ông Miloš Zeman, cũng đưa ra các chỉ trích tương tự. Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng đồng quan điểm với chính quyền Nga, cho rằng chính việc các nước Tây Âu can thiệp vào nội chiến ở Syria và Lybia đã tạo nên cuộc khủng hoảng tị nạn mà giờ đây Đông Âu đang phải cùng gánh chịu.
Các chính phủ Trung và Đông Âu đang cố tìm cách giảm tối đa số người tị nạn mà họ phải gánh vác. Theo tờ The Guardian, trong ngày 4-9, lãnh đạo các nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech sẽ nhóm họp để hình thành một liên minh chống lại sức ép từ Đức và Brussels về một hệ thống hạn mức người nhập cư bắt buộc.
Châu Âu: Đất hứa hay pháo đài?
Giữa bối cảnh EU vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng, nước Đức đang là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu. Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý cho phép nhiều người tị nạn nhập cư vào Đức hơn, các chuyến tàu từ Áo và Hungary lần lượt khởi hành đưa những người tị nạn vào Munich. Khoảng 400 người, bao gồm phụ nữ, trẻ em và đàn ông Syria đã được chính quyền Áo và Hungary cho phép lên tàu đến Đức mặc dù họ không hề có bất kỳ giấy tờ tùy thân hay đơn cho phép nhập cư nào cả.
Theo tờ The Guardian, bất chấp những chỉ trích từ những người đồng cấp tại Đông Âu, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch thuyết phục những thành viên còn lại trong EU “chia sẻ gánh nặng” cùng nước Đức và tham gia vào một hệ thống phân bổ dòng người tị nạn “công bằng hơn” trên toàn bộ lãnh thổ EU.
Tổng thống Đức Joachim Gauck cũng đề nghị chính phủ Ba Lan sớm ủng hộ các thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu. “Chúng tôi muốn thấy châu Âu thống nhất về chính sách những người tị nạn. Chính phủ Đức đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu”.
“Chúng tôi không nghĩ rằng đây là một vấn đề của riêng từng quốc gia mà là vấn đề chung của cả châu Âu. Tôi nghĩ các thành viên cần phải đóng góp giải quyết vấn đề này. Do đó chúng tôi kêu gọi một thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu”.
Ước đoán trong năm 2015, nước Đức sẽ tiếp nhận gần 800.000 đơn xin tị nạn, nhiều hơn tất cả quốc gia châu Âu khác cộng lại. Trước thực tế này, bà Merkel đang tạo sức ép yêu cầu EU phải nhanh chóng đưa ra các chính sách chung về tị nạn trên toàn châu Âu nhằm xây dựng một cơ chế phân chia tị nạn công bằng hơn. Hãng tin Al-Jazeera dẫn lại lời cảnh báo của bà Merkel: “Nếu như châu Âu không thể giải quyết được vấn đề người tị nạn, đây sẽ chẳng còn là một châu Âu mà chúng ta hằng mong ước”.
Bình luận trên trang tin DW (Đức), Zoran Arbutina cho rằng việc các chính quyền Đông Âu xây dựng các hàng rào kẽm gai, thiết chặt quân đội tại biên giới và ra các chính sách kỳ thị người tị nạn là không khác gì “các pháo đài châu Âu thời Trung cổ” và làm phá vỡ hình ảnh “miền đất hứa” mà các quốc gia cố gắng xây dựng bấy lâu nay.
Bằng việc tạo nên các hàng rào kẽm gai tại biên giới, châu Âu đang “tự phản bội các chuẩn mực của mình và tự tước đoạt đi tương lai của chính mình”. Ông cho rằng sự thay đổi trong xã hội tạo nên từ dòng người nhập cư cũng có thể trở thành một cơ hội để châu Âu tiếp tục đổi mới trong tương lai.