EU: Tới đây khách đi chặng ngắn sẽ chỉ ngồi tàu, không còn đi máy bay?

(PLO)- EU đang tìm cách thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt nhằm giảm phát thải, nhưng quá trình này gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đầu tư và sự quyết tâm từ các quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Ruud Sondag là lãnh đạo sân bay Schiphol (Hà Lan) – một trong những sân bay lớn nhất châu Âu. Khi vừa nhậm chức, đọc được tin những người biểu tình khí hậu muốn đến sân bay Schiphol, ông Sondag đã đồng ý, theo tờ Financial Times.

Ông Sondag cho biết: “Tôi thấy một quảng cáo lớn trên báo của Extinction Rebellion và Greenpeace (các tổ chức hoạt động môi trường), nói rằng họ sẽ đến sân bay. Về cơ bản chúng tôi đã nói: 'Hãy đến đây. Đừng gây rối và các bạn sẽ được chào đón. Hãy bày tỏ suy nghĩ của các bạn'".

Ông Sondag cho biết các nhà hoạt động môi trường đã đến sân bay Schiphol. Ban đầu, họ đến và biểu tình khá ôn hòa nhưng sau đó họ tự trói mình vào máy bay, khiến hoạt động của sân bay bị ảnh hưởng.

EU muốn thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt, liệu có khả thi?
Các nhà hoạt động môi trường biểu tình ở sân bay Schiphol (Hà Lan) vào tháng 11-2022. Ảnh: REUTERS

Sự kiện trên chỉ là một phần của loạt biểu tình kéo dài trên khắp châu Âu, nhằm phản đối tác động của ngành hàng không đối với môi trường. Các cuộc biểu tình dường như đã ảnh hưởng đến chính giới châu Âu.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đang xem xét việc các hãng hàng không và sân bay nên giảm số lượng chuyến bay để giảm khí thải. Cùng lúc, họ cũng đang xem xét việc thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt.

Bà Jo Dardenne – giám đốc hàng không của tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường có trụ sở tại Bỉ – cho biết: “Những cuộc thảo luận như vậy chỉ vừa xuất hiện trong chương trình nghị sự gần đây. Nhưng ngành hàng không phải đối mặt thực tế là sự tăng trưởng của họ đi ngược lại các mục tiêu về khí hậu”.

Nỗ lực hạn chế hàng không chặng ngắn

Tuần trước, Tây Ban Nha đã theo chân Pháp công bố lệnh cấm có giới hạn đối với các chuyến bay chặng ngắn. Hà Lan, Đan Mạch và Pháp đã thúc đẩy kế hoạch tăng thuế đối với các chuyến bay. Trước đó, Hà Lan đã thử áp các quy định để giảm số lượng chuyến bay tại sân bay Schiphol.

Các hãng hàng không lo rằng họ sẽ đối mặt sự giám sát ngày càng nhiều từ các cơ quan quản lý, nếu không đạt được tiến bộ trong quá trình khử carbon.

“Mọi người đều nhận ra rằng ngành này sẽ sụp đổ trừ khi có kế hoạch rõ ràng để đạt được phát thải ròng bằng 0” – một nhà đầu tư sân bay thừa nhận.

Năm 2021, các hãng hàng không và sân bay châu Âu đã vạch ra một kế hoạch chi tiết nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu này sẽ đạt được nếu các hãng chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) – loại nhiên liệu được làm từ nguyên liệu thô, thải ra ít carbon hơn.

Châu Âu tìm cách thay hàng không chặn ngắn bằng đường sắt, liệu có khả thi?
Hành khách lên chuyến bay của Ryanair – một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu. EU lên kế hoạch về việc thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt. Ảnh: REUTERS

Các hãng hàng không ở châu Âu cho biết họ đã phải tuân theo các quy định môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới do nhiều nước áp thuế carbon cho các chuyến bay bên trong châu Âu. Chính phủ nhiều nước cũng yêu cầu 6% nhiên liệu trên chuyến bay phải là nhiên liệu bền vững từ nay đến năm 2030.

Ông Andrew Lobbenberg – nhà phân tích vận tải châu Âu – cho biết: “Các hãng hàng không đang cố gắng phản đối một số biện pháp khử carbon vì cho rằng các biện pháp này thể hiện sự thiên vị”.

“Tôi đồng cảm với [các hãng hàng không] về mặt trí tuệ. Vì vậy, tôi nghĩ ngành hàng không đang ở vào tình thế khó khăn trong việc làm thế nào để thực hiện [khử carbon]” – ông Lobbenberg nói.

Loay hoay phát triển đường sắt chặng dài

Các nhà hoạch định chính sách cũng thừa nhận hàng không giá rẻ là loại hình giao thông phổ biến ở châu Âu và người dân không có nhiều sự lựa chọn thay thế.

Thị trường hàng không giá rẻ rất năng động khi các hãng bay thường tung ra các ưu đãi cho khách hàng. Trong khi đó, ngành đường sắt có phần im ắng hơn.

Một cuộc khảo sát của EU được công bố vào năm 2020 cho thấy trở ngại chính đối với các hình thức du lịch bằng đường sắt là chi phí đắt. Ngoài ra, 40% số người được hỏi cũng cho rằng tốc độ của các phương tiện đường sắt không cao. Ngay cả khi tính thời gian làm thủ tục tại sân bay, các chuyến bay hầu như luôn nhanh hơn các phương tiện đường sắt hiện nay.

EU đang nỗ lực thay đổi điều đó. Theo đó, họ đang tập trung đầu tư và hợp tác xây dựng TEN-T – một mạng lưới đường bộ và đường sắt xuyên châu Âu nhằm liên kết các trung tâm lớn của lục địa. TENT-T tạo thành xương sống của chính sách vận tải đường bộ của EU.

Mục tiêu của EU là là tăng gấp đôi lưu lượng đường sắt tốc độ cao từ nay đến năm 2030 và tăng gấp ba từ nay đến năm 2050, đảm bảo các đoàn tàu chở khách chạy trên mạng lưới TEN-T di chuyển với tốc độ tối thiểu 160 km/giờ.

Tuy nhiên, mục tiêu thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt không dễ đạt được.

thay-hang-khong-chang-ngan-bang-duong-sat-7150.jpg
Hành khách bên trong một phương tiện đường sắt ở châu Âu. Financial Times cho rằng việc thay hàng không chặng ngắn bằng đường sắt là điều không dễ thực hiện. Ảnh: BLOOMBERG

Các dự án đường sắt được thực hiện với tốc độ rất chậm. Ngoài ra, năm 2018, Tòa án Thẩm kế châu Âu – cơ quan đánh giá chính sách của Liên minh châu Âu (EU) – cho biết: “EU không có kế hoạch dài hạn thực tế nào về việc sử dụng đường sắt cao tốc”.

Cơ quan này cũng cho rằng EU cần có 54 tỉ euro để vận hành 8 “dự án lớn” vận tải xuyên biên giới, nhưng EU chỉ chi 3,4 tỉ euro.

Không những vậy, cơ sở hạ tầng đường sắt mới rất tốn kém, tiến độ thường bị chậm trễ và mất nhiều thời gian để hoàn vốn đã đầu tư vào xây dựng. Điều này khiến các nhà đầu tư ngại bỏ tiền cùng các chính phủ hoàn thiện hệ thống đường sắt.

Trong khi đó, theo Financial Times, các chính phủ không mấy mặn mà với việc xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia.

Theo ông Bas Eickhout – nghị sĩ của Nghị viện châu Âu – cho biết các đề xuất của EU về việc kết nối đường sắt xuyên quốc gia không giải quyết được những lo ngại của các quốc gia thành viên.

“Dù thế nào đi chăng nữa, tất cả quyết định của các quốc gia luôn hướng đến việc cải thiện hệ thống tàu nội địa. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp thay thế đáng tin cậy cho các chuyến bay chặng ngắn” – ông Eickhout nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm