ĐT Hy Lạp gây bất ngờ lớn khi đoạt chức vô địch châu Âu (lần đầu tiên), dù không được đánh giá cao trước khi giải diễn ra.
Với 16 đội tham dự được chia làm bốn bảng, gồm: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga và Hy Lạp (bảng A); Pháp, Anh, Croatia và Thụy Sĩ (bảng B); Thụy Điển, Ý, Đan Mạch và Bulgaria (bảng C); CH Czech, Đức, Hà Lan và Latvia (bảng D). Các nhà chuyên môn còn dự báo Euro 2004 sẽ hấp dẫn nhờ sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo của các đội tham dự.
Hy Lạp làm nên bất ngờ lớn nhất lịch giải đấu.
Đây mới là lần thứ hai trong lịch sử Hy Lạp tham dự một VCK Euro. Lần trước cách đây 24 năm, khi đó họ không thể vượt qua vòng bảng và không thắng nổi trận nào.
Người hâm mộ túc cầu giáo một lần nữa được chứng kiến lối chơi tổng lực tại Euro 2004. Nhưng không giống như lối đá tấn công tổng lực của Hà Lan trước đây, Hy Lạp đã ghi tên mình vào lịch sử nhờ chiến thuật phòng ngự tổng lực. Tất cả vị trí trên sân của Hy Lạp, từ tiền đạo đến tiền vệ đều là những cầu thủ biết phòng ngự. Họ đã lên ngôi nhờ vào phong cách chơi thực dụng do HLV người Đức, Otto Rehhagel đem lại.
Một điều khác biệt trong Euro 2004 lần này, bãi bỏ luật bàn thắng vàng và áp dụng luật bàn thắng bạc. Theo đó, nếu đội nào ghi bàn trước và duy trì thành tích đó trong thời gian của hiệp phụ thứ nhất, đội đó sẽ giành thắng lợi chung cuộc ngay mà không cần phải thi đấu nốt hiệp phụ còn lại.
Otto Rehhagel - thuyền trưởng tạo nên thành công cho Hy Lạp
Giống như hai kỳ Euro 1996 và 2000, 16 đội bóng mạnh nhất châu Âu sẽ góp mặt ở vòng chung kết. Chỉ với 10 triệu dân nhưng Bồ Đào Nha đã rất cố gắng trong việc xây mới và sửa chữa 10 sân vận động tại tám thành phố lớn của đất nước mình để đáp ứng yêu cầu của UEFA. Các trận đấu của Euro 2004 đều có số khán giả dự khán đông đảo, khác hẳn với không khí buồn tẻ thường thấy của giải đấu quốc nội. Đây cũng được coi là kì Euro thành công nhất trong lịch sử.
Ngày 4-7-2004, trận chung kết giữa hai đội từng gặp nhau ở trận khai mạc được diễn ra dưới sự chứng kiến của 62.865 khán giả. Và Bồ Đào Nha lại gục ngã trước những con người của vùng đất thần thoại với tỉ số suýt sao 1-0.
Suốt cả trận đấu, Bồ Đào Nha áp đảo hoàn toàn. Hy Lạp chỉ duy nhất một lần được hưởng phạt góc nhưng chính từ pha đá phạt góc ấy của đội quân "Pirate Ship", mọi chuyện đã được định đoạt. Phút 57, Basinas đưa bóng bổng vào khu cấm địa, Charisteas nhanh như cắt, bật cao hơn hẳn tiền vệ phòng ngự Costinha và đánh đầu cận thành chính xác.
Với bàn thắng của Charisteas khiến Simao, Rui Costa, Ronaldo hay Figo sẽ còn day dứt mãi về sau khi không thể tận dụng những cơ hội có được trong suốt trận đấu với Hy Lạp. Trận đấu kết thúc cũng là lúc những giọt nước mắt tuôn rơi trên gương mặt những chủ nhân của vòng chung kết (nhưng không đồng thời là chủ nhân của chiếc cúp vô địch) còn các cầu thủ Hy Lạp vẫn không thể tin nổi vào mắt mình trước chiến công ngoài sức tưởng tượng này.
Euro 2004, nhiều người tỏ ra nuối tiếc cho chủ nhà Bồ Đào Nha. Năm ấy, “Selecao châu Âu" đã trình làng lực lượng vô cùng đáng gờm với Luís Figo, Couto, Rui Costa, Deco… cộng thêm ngôi sao trẻ đầy triển vọng là C.Ronaldo.
Giọt nước mắt tiếc nuối của Ronaldo sau trận chung kết.
Hy Lạp đã lên ngôi khi trong đội hình không có một ngôi sao nào nổi bật. Có chăng, đây chính là “phép màu”. Tới tận bây giờ và rất nhiều năm sau, câu chuyện thần thánh của thầy trò Otto Rehhagel cũng chẳng ai có thể lý giải hợp lý kỳ tích của đội tuyển Hy lạp.
Thống kê về giải đấu
Quốc gia đăng cai: Bồ Đào Nha
Thời gian: 12 tháng 6-4 tháng 7, 2004
Số đội: 16 (từ 50 đội tham dự vòng loại)
Vô địch: Hy Lạp (vô địch lần đầu)
Số trận: 31
Số bàn thắng: 77 (2.48 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 1.156.473 (37.306 người/trận)
Vua phá lưới: Milan Baroš (5 bàn) (Séc)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Theodoros Zagorakis(Hy Lạp)
Đội hình tiêu biểu: Petr Cech (CH Séc) - Traianos Dellas, Giourkas Seitaridis (Hy Lạp); Ricardo Carvalho (BĐN); Gianluca Zambrotta (Italia) – Maniche (BĐN); Pavel Nedved (CH Séc); Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) – Milan Baros (CH Séc); Cristiano Ronaldo (BĐN); Wayne Rooney (Anh)