Ngay trong lần đầu tiên tham gia giải đấu danh giá nhất châu Âu vào năm 1984, bóng đá Đan Mạch đã để lại những ấn tượng lớn với người hâm mộ khi lọt vào đến trận bán kết. Bóng đá Đan Mạch còn cho thấy sự phát triển và tiếp tục khẳng định vị thế trong những năm tiếp theo khi vào tới vòng 1/8 tại World Cup 1986.
Niềm vui của những chú lính chì trong trận chung kết khi đánh bại Đức hai bàn không gỡ.
Tuy nhiên khi những trụ cột trong đội hình nói lời chia tay đội tuyển quốc gia thì bóng đá Đan Mạch lại không có những sự thay thế và bắt đầu sa sút ở những giải đấu lớn tiếp theo. Kết thúc vòng loại Euro 1992, Đan Mạch chỉ xếp ở vị trí thứ 2 khi ở chung bảng đấu với đội bóng mạnh Nam Tư và mất quyền đến Thụy Điển để tham dự Euro 1992.
Khi giải đấu chỉ còn 10 ngày nữa là khởi tranh thì bất ngờ đã xảy ra khi Đan Mạch được gọi thay thế đội tuyển Nam Tư để tham dự Euro 1992. Cuộc nội chiến đã khiến những nỗ lực ở vòng loại của Nam Tư trở nên vô nghĩa trước lệnh cấm của quốc tế đối với quốc gia này.
Không có được đội hình chất lượng cùng đó là sự ra đi của HLV Sepp Piontek càng khiến người hâm mộ không đánh giá cao Đan Mạch ở giải đấu lần này. Đan Mạch để lại dấu ấn với khán giả bằng lối chơi tấn công cống hiến ở những giải đấu trước đó thì Euro 1992 đội bóng này lại cho thấy một lối chơi hoàn toàn khác khi áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công tiêu cực nhưng hiệu quả.
Không chỉ được đánh giá là đội lót đường mà việc được gọi tham dự giải đấu trong thời gian quá ngắn khiến Đan Mạch không có sự chuẩn bị tốt nhất về lực lượng. Ngôi sao lớn nhất vào thời điểm đó là Michael Laudrup, cựu tiền vệ Barca cũng không góp mặt khiến những hy vọng của Đan Mạch tại giải đấu trở nên mong manh. Việc nằm trong một bảng đấu có sự góp mặt của các đội bóng mạnh như Anh, Pháp và chủ nhà Thụy Điển khiến nhiều người tin rằng Đan Mạch sẽ là đội bị loại sau vòng bảng.
Không được đánh giá như những đối thủ khác nhưng Đan Mạch đã khiến Anh, Pháp phải ôm hận trước sự chủ quan này. Trong trận mở màn vòng bảng, Đan Mạch đã gây bất ngờ khi cầm hòa ĐT Anh (0-0). Tất cả đều tin rằng Đan Mạch phải sớm xách vali về nước sau lượt trận thứ 2 (thua Thụy Điển 0-1) thế nhưng thầy trò Nielsen đã gây sốc khi hạ tuyển Pháp ở trận cuối cùng (2-1) để rồi hiên ngang tiến vào bán kết.
Tại bán kết, việc phải đối đầu với những nhà đương kim vô địch Euro 1988 là tuyển Hà Lan không khiến Đan Mạch mất đi sự tự tin mà đây là trận cầu những chú lính khiến đối thủ phải khiếp sợ. Kết thúc 120 phút thi đấu dù phải chơi phòng ngự phản công trước những tình huống tấn công của Hà Lan tuy nhiên tỉ số hòa 2-2 lại mang đến cho Đan Mạch sự tự tin trên chấm penaty. Và “cơn lốc màu da cam” đã bị khuất phục khi thua với tỉ số 4-5 trên chấm 11 m.
Thành công khi vào đến trận chung kết đã vượt qua sự mong đợi của đội bóng này, hành trình của Đan Mạch thực sự gây chấn động cho giải đấu. Tuy nhiên đối thủ ở trận chung kết là tuyển Đức, đây là những nhà đương kim vô địch World Cup. Xét về kinh nghiệm lẫn chất lượng đội hình thì Đan Mạch được so sánh là người tí hon so với gã khổng lồ Đức trước trận chung kết.
Nhưng Đan Mạch đã chứng minh bóng đá không có khái niệm tuyệt đối và câu chuyện cổ tích tiếp tục được viết tiếp trong trận chung kết khi tuyển Đức bị khuất phục với tỉ số 2-0.
Đội hình giúp Đan Mạch đăng quang ngôi vương Euro 1992.
Với những chuyên gia thì chức vô địch của Đan Mạch là sự góp công của các ông lớn như Anh, Pháp, Hà Lan hay Đức khi không thể hiện được bản lĩnh và cho thấy sự sa sút khi tham dự giải đấu. Còn với người hâm mộ Đan Mạch đã giúp họ hiểu được nguồn cảm hứng trong bóng đá là quan trọng như thế nào. Không sở hữu một thế hệ vàng như Anh và Pháp với những danh thủ Gary Lineker, Jean-Pierre Papin hay Eric Cantona nhưng cái cách một đội bóng bình thường chiến thắng lại trở nên phi thường và đáng trân trọng hơn.
Euro 1992 là lần cuối cùng có số đội trong VCK là 8, những giải đấu được tổ chức sau này số đội góp mặt trong VCK được tăng lên 16 đội. Tại giải đấu tổ chức ở Thụy Điển khán giả lần đầu nhìn thấy tên mỗi cầu thủ được in sau lưng áo đấu của mình. Đây cũng là giải đấu cuối cùng mỗi trận thắng được tính 2 điểm, luật thủ môn được bắt bóng khi đồng đội chuyền về cũng không còn sau khi giải đấu này kết thúc.
Vô địch: Đan Mạch
+ Á quân: Đức
+ Vua phá lưới: Dennis Bergkamp, Tomas Brolin, Henrik Larsen, Karl-Heinz Riedle(cùng ghi 3 bàn).
+ Đội hình xuất sắc nhất: Peter Schmeichel (Đan Mạch), Jocelyn Angloma (Pháp), Laurent Blanc (Pháp), Andreas Brehme (Đức), Jürgen Kohler (Đức), Stefan Effenberg (Đức), Ruud Gullit (Hà Lan), Thomas Häßler (Đức), Brian Laudrup (Đan Mạch), Marco van Basten (Hà Lan), Dennis Bergkamp (Hà Lan).
+ Khán giả : 430.111 người ( 28,674 người/trận)