Ngày 2-10, tại Thanh Hóa, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngành công thương giai đoạn 2010-2020.
Người dân nông thôn dùng điện an toàn, ổn định
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn 2011-2020, ngành công thương triển khai hai tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: Điện nông thôn và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Lưới điện của EVN đã phủ rộng khắp miền nông thôn Việt Nam.
Đối với tiêu chí “Điện nông thôn”, EVN và các đơn vị thành viên đóng vai trò chủ lực, nòng cốt, không ngừng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn… Qua đó, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn. Kết quả huy động nguồn lực giai đoạn 2016-2019 đạt 81.700 tỉ đồng, gấp 1,6 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 (50.100 tỉ đồng).
EVN cho biết đến nay đơn vị này đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010 và tăng 8,3% so với thời điểm năm 2015. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ 100% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới về điện.
Bên cạnh đó, EVN đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý. Đến cuối năm 2018, EVN đã tiếp nhận gần 6.000 xã, quản lý bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỉ đồng.
Nhờ đó, giúp hộ dân nông thôn được sử dụng điện chất lượng, an toàn, ổn định, mua điện theo giá quy định và sử dụng các dịch vụ khách hàng do EVN cung cấp. EVN cũng đã hoàn thành tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo, cấp điện ổn định, liên tục 24/24 giờ trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.
Khó khăn về vốn đầu tư
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong 10 năm triển khai tiêu chí “Điện nông thôn”, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn. Nguyên nhân là do đặc thù lưới điện nông thôn có địa bàn trải rộng, nhiều núi, vùng sâu, vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông, hộ dân sinh sống rải rác… Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình lưới điện mới ngày càng khó khăn, đặc biệt là lưới truyền tải điện 220/110 kV.
Ngành điện vẫn tiếp tục nỗ lực tìm nguồn vốn để đưa điện về với vùng quê, vùng xa.
Trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện được mục tiêu của chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020”. Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách hỗ trợ lãi suất cho EVN để đầu tư các dự án về lưới điện cho khu vực nông thôn, đáp ứng được mục tiêu của chương trình đề ra.
EVN đề nghị UBND các tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hằng năm để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện (khi ngân sách trung ương chưa bố trí kịp vốn). Bởi lẽ các dự án cấp điện quốc gia là hoạt động mang tính công ích, mục tiêu vì an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư.
Đồng thời, EVN kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kế hoạch và thống nhất danh mục các xã xây dựng nông thôn mới đồng bộ các nguồn lực để thực hiện tập trung 19 tiêu chí, sử dụng kết hợp các nguồn vốn có hiệu quả trong bối cảnh các nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để xây dựng mới lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xã.
Ngoài ra, EVN đề nghị các địa phương hỗ trợ tuyên truyền người dân trong việc phát quang hành lang an toàn lưới điện, vận động người dân không trồng các loại cây phát triển nhanh dưới đường dây hiện hữu.