Đây là nhiệm vụ ưu tiên của EVN nhằm thực hiện Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, EVN đã thoái vốn toàn bộ tại Công ty CP Cơ điện Thủ Đức, thu về 77,5 tỉ đồng, thặng dư 31,56 tỉ đồng. Bộ Công Thương cũng đã thông qua phương án chuyển nhượng vốn của EVN tại Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh. Hiện tập đoàn đang thực hiện các thủ tục để bán đấu giá theo quy định.
Ngoài ra, EVN cũng đang xem xét trình Bộ Công Thương phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn và giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá cổ phần tại Công ty CP Phong Điện Bình Thuận và Công ty Tài chính CP Điện lực.
Hiện EVN đang đẩy mạnh quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn
Trong công tác cổ phần hóa, ngày 17-9 vừa qua, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông lần đầu. Tại đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua nội dung dự thảo về điều lệ tổ chức và hoạt động; kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 và phương án tái cơ cấu EVNGENCO 3; kế hoạch tiền lương, thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2018…
Hiện Hội đồng Thành viên EVN cũng đã thông qua Đề án tách bạch khâu dịch vụ điện lực tại các tổng công ty. Và hiện nay, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã thành lập ba công ty dịch vụ điện. Các Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam cũng đang khẩn trương thực hiện, nhằm tách bạch hoạt động dịch vụ ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năng trong thời gian tới...