EVNNPC: Xóa bản ‘trắng’ điện lưới, đánh thức tiềm năng phát triển

(PLO)- Sau nhiều năm thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản vùng cao chưa có điện của tỉnh Thanh Hóa, đến nay, ngành điện “xứ Thanh” đã hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% số xã với 99,85% hộ dân được sử dụng điện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những nơi trước đây vốn là vùng đất nghèo với muôn vàn khó khăn, tưởng chừng điện không thể đến được thì nay ánh điện lung linh, mang niềm tin của Đảng về với bà con, cuộc sống của đồng bào được ấm no và đủ đầy hơn, từ đó tạo động lực từng bước đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế vùng trũng.

Nếu chỉ vì mục tiêu kinh doanh thuần túy thì việc đầu tư lưới điện cho các thôn bản miền núi sẽ không khả thi, bởi suất đầu tư cho một dự án là rất lớn nhưng doanh thu nhận lại quá nhỏ.

EVNNPC: Xóa bản ‘trắng’ điện lưới, đánh thức tiềm năng phát triển
Điện góp phần đánh thức tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại vùng cao Thanh Hóa.

Tuy nhiên, Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa), thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xác định rõ nhiệm vụ đưa điện về các thôn bản chưa có điện là hiện thực hóa chủ trương đúng đắn và cao cả của Đảng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

Do đó, những năm qua, PC Thanh Hóa đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ từng đồng vốn để triển khai hành trình mang ánh sáng đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Chỉ cần nghĩ đến việc dòng điện sẽ tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và giữ vững chủ quyền biên cương Tổ quốc thì mọi sự vất vả đối với những người thợ điện đều tan biến.

Đi đến đâu, cũng được nghe người dân khen ngợi về những “chiến sỹ áo cam” đang ngày đêm cần mẫn giữ cho dòng điện thông suốt để phục vụ bà con phát triển sản xuất, cũng như trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 150km, Bản Bút thuộc xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, có người còn gọi nơi này là “chốn thâm sơn cùng cốc”. Khi chưa có điện, đồng bào gặp phải muôn vàn khó khăn trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

EVNNPC: Xóa bản ‘trắng’ điện lưới, đánh thức tiềm năng phát triển
Có điện lưới quốc gia, nhiều làng nghề truyền thống được phát triển nâng cao, đáp ứng nhu cầu việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương.

Ở đó, cái gì cũng gắn với từ “không”: Không điện sáng, không tivi, không quạt, nồi cơm điện, điện thoại cầm tay…. Nhưng rồi kể từ ngày có điện, cuộc sống của người dân được thay da, đổi thịt hoàn toàn.

Có điện lưới quốc gia, người dân bản Bút đã có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Trong tổng số 105 hộ là đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống tại đây, đã có 05 hộ mạnh dạn đầu tư, cải tạo không gian, sưu tầm những vật dụng, trang phục truyền thống trưng bày để làm dịch vụ du lịch homestay nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Tới Xa Mang, bản vùng cao giáp biên giới nước bạn Lào, thuộc xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, nơi cũng vừa được các cấp chính quyền và ngành điện Thanh Hóa đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ người dân.

Sau nhiều năm kiến nghị, cũng như chờ đợi, từ ngày bản nhận được thông sẽ được đầu tư đưa điện lưới quốc gia về cho người dân thì tất cả mọi người đều vui mừng, phấn khởi. Bởi vậy, khi những người thợ điện về dựng cột, kéo dây, người dân đều tích cực tham gia giúp sức, hỗ trợ. Sau gần nửa năm có điện, đến nay cuộc sống của người dân cũng theo đó mà khấm khá đi lên rất nhiều.

Tại bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, từ khi có điện lưới quốc gia, nơi đây phát triển vượt bậc về mọi mặt. Được biết, trên địa bàn đã trồng những vùng nguyên liệu kết hợp khai thác, chế biến như: Măng, tre, nứa, luồng, các loại thảo dược. Đặc biệt phải kể đến việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái, Mường.

Bà Lê Thị Vân – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đồng Lương cho hay, điện đã giúp cho sự phát triển kinh tế địa phương và đời sống bà con nhân dân, chất lượng điện rất đảm bảo, ổn định, nhiều dịch vụ chuyển đổi số như thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tra cứu sản lượng, hóa đơn tiền điện…

Thanh Hóa hiện còn 1 bản và các cụm dân cư chưa có điện lưới quốc gia. Ngành điện đang phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị hoàn thành thủ tục để đầu tư các công trình điện. Dự kiến đến cuối năm 2023, PC Thanh Hóa sẽ đóng điện tại các thôn bản chưa có điện còn lại.

Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như sự đầu tư mạnh mẽ của EVNNPC, PC Thanh Hóa sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 100% số dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm