Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích trước đây chúng ta có những chính sách hỗ trợ phát triển ngành điện tử. Thế nhưng khi áp dụng trên thực tế thì ưu đãi đó không “xốc” được các doanh nghiệp (DN) trong nước lên, DN ta không hưởng được lợi, trong khi đó DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN sản xuất ở nước ngoài của ngành này lại được lợi hơn. Ví dụ, Samsung nhập khẩu linh kiện về lắp ráp trong nước thì các DN Việt Nam có thể liên kết sản xuất cũng chỉ là DN in ấn bao bì, đóng gói thiết bị mà thôi, không phải là DN điện tử. Những DN nước ngoài về điện tử, xuất nhập khẩu với Samsung mới được lợi từ chính sách ưu đãi.
Ngoài chính sách ưu đãi thuế quan thì Nhà nước còn có thể hỗ trợ DN nội địa bằng các rào cản kỹ thuật khác. Thế nhưng việc đưa ra rào cản kỹ thuật có khi lại “gậy ông đập lưng ông” vì ta kém tinh tế mà DN ngoại lại rất nhanh nhạy. Ông Dương dẫn chứng quy định về dán nhãn năng lượng, tưởng đâu hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trước hàng điện tử nước ngoài nhưng cuối cùng lại đánh đồng việc áp dụng cho DN trong và ngoài nước, mà DN trong nước lại thực hiện lúng túng hơn.
Một ví dụ khác, từ chục năm trước, để bảo hộ cho máy ghi hình, các cơ quan của ta có quy định “máy ghi hình là máy quay phim được trên 30 phút”, ngờ đâu các DN điện tử nước ngoài nhanh nhạy, bổ sung chức năng quay phim từng đoạn dưới 30 phút để chiếc máy quay phim đó không bị xếp vào nhóm máy ghi hình, sẽ có lợi hơn về thuế, về cạnh tranh.
Một dạng hỗ trợ có tác dụng ngược khác nữa là hàng rào kỹ thuật về chất lượng. DN trong nước rất khó khăn để thực hiện hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa trong khi hàng ngoại nhập lậu lẫn nhập chính ngạch thì ta lại không kiểm soát nổi xem hàng hóa đó có thực hiện đúng hàng rào kỹ thuật hay không.
Là người nhiều năm lắng nghe ý kiến phản ánh của DN có liên quan đến cam kết gia nhập WTO, tác động của các hiệp định thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm WTO - VCCI) nhận xét: “Chúng ta có chính sách hỗ trợ cho ngành kinh tế nội địa nhưng là hỗ trợ cho DN có vốn đầu tư nước ngoài! Với những chính sách hỗ trợ được cho DN trong nước, khi DN đó lớn mạnh thì bị DN nước ngoài mua lại!”.
Vấn đề là khi gia nhập, khi ký kết các FTA tới đây, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ gì cho DN? Bà Trang cũng chia sẻ các DN không nói rõ họ thiệt hại như thế nào khi Nhà nước điều chỉnh chính sách, nhất là chính sách về thuế quan. Tuy nhiên, DN phản ánh rằng việc thay đổi lộ trình thuế, cắt giảm thuế sớm hơn cam kết đối với hàng nhập khẩu... khiến cho kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng nội địa của họ bị ảnh hưởng, ví dụ DN ngành gạo, ngành thức ăn chăn nuôi trở tay không kịp.
Bà Trang nhận định: “Có thể thời gian qua các chính sách hỗ trợ không phát huy được hiệu quả nhưng không có nghĩa là ta bỏ đi cơ hội tạo dựng chính sách hỗ trợ cho DN”. Vấn đề là chính sách phải như thế nào? Bà Trang khẳng định càng ký kết nhiều FTA thì càng mở về kinh tế, càng ít được bảo hộ nên vấn đề là làm sao để các chính sách sắp tới đây “ít mà tinh”.
50% DN “mù” thông tin về FTA Nghiên cứu của ông Nguyễn Anh Dương cho thấy khi hỏi 20 DN thì có 10 DN không biết gì về cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA, sáu DN “biết chút chút” và chỉ có bốn DN biết rõ. Trong 20 DN thì có 10 DN không biết gì về ưu đãi trong ngành mình, bảy DN biết chút chút và chỉ có ba DN biết rõ các ưu đãi. |