G7 thống nhất chi khủng 600 tỉ USD đối trọng Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ

(PLO)- Nhóm G7 cam kết huy động 600 tỉ USD trong quỹ công và tư trong vòng 5 năm để tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển - một nỗ lực nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-6, Nhóm 7 quốc gia phát triển nhất thế giới (G7) đã bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Bavaria Alps (Đức). Trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thống nhất huy động quỹ nhằm hỗ trợ cho các nước đang phát triển, cũng như thảo luận về việc cấm nhập khẩu vàng từ Nga, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, G7 cam kết huy động 600 tỉ USD trong quỹ công và tư trong vòng 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Số tiền này sẽ được sử dụng để đối trọng với dự án Vành đai và Con đường trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỉ USD viện trợ không hoàn lại, quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong vòng 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoản tiền này nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26-6. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26-6. Ảnh: REUTERS

"Tôi muốn nói rõ. Đây không phải là viện trợ hay từ thiện. Đó là khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho mọi người" - ông Biden nói.

Ông Biden cho biết hàng trăm tỉ USD bổ sung có thể đến từ các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền và các quỹ khác.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen cam kết châu Âu sẽ huy động 300 tỉ euro (tương đương 315 tỉ USD) cho sáng kiến ​​này nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo của Ý, Canada và Nhật cũng đã nói về kế hoạch của riêng mình, một số trong số đó đã được công bố riêng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không nêu chi tiết kế hoạch của mình, nhưng hai nước này cho biết sẽ tham gia sáng kiến của Mỹ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết kế hoạch này đã mang lại ít lợi ích cụ thể cho nhiều nước đang phát triển.

Ngoài ra, tại hội nghị, ông Biden đã nói với các đồng minh "chúng ta phải cùng nhau" chống lại Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Khi bắt đầu cuộc họp, bốn nước gồm Anh, Mỹ, Nhật và Canada đã đề xuất thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow thông qua việc cấm nhập khẩu vàng từ Nga.

Anh cho biết lệnh cấm này nhằm vào những người Nga giàu có đang mua vàng thỏi để né các lệnh trừng phạt của phương Tây. Xuất khẩu vàng của Nga đạt 15,5 tỉ USD trong năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu G7 có đồng thuận về kế hoạch này hay không. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng vấn đề sẽ cần được xử lý cẩn thận và thảo luận thêm.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Ý và Canada, cũng đang có các cuộc đàm phán "thực sự mang tính xây dựng" về giá mức trần đối với dầu của Nga, một nguồn tin chính phủ Đức cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm