Ngày 27-5, hội nghị thượng đỉnh G7 đã kết thúc sau hai ngày làm việc tại Nhật, theo hãng tin Reuters (Mỹ).
Tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp
Trong tuyên bố chung hội nghị dài 32 trang, các lãnh đạo G7 cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, nêu lo ngại về Triều Tiên, Nga và các tranh chấp hàng hải liên quan đến Trung Quốc.
“Tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp. Hiện tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức thấp và dưới mức tiềm năng, trong khi các rủi ro để tăng trưởng yếu đi vẫn chưa được giải quyết” -Reuters dẫn tuyên bố chung hội nghị.
Các lãnh đạo G7 họp tại Nhật. Ảnh: REUTERS
“G7 đã gia tăng sức chịu đựng của các nền kinh tế G7 nhằm không phải rơi vào một cuộc khủng hoảng nữa. G7 cam kết sẽ tăng cường nỗ lực, có các chính sách thích hợp, đúng lúc để đối phó các biến động kinh tế.”
G7 thống nhất sẽ để thị trường điều chỉnh tỉ giá hối đoái, tránh giảm giá tiền tệ để cạnh tranh.
Nội dung này cho thấy Nhật đã có bước nhượng bộ với Mỹ. Vốn Nhật trước đó cho biết có thể sẽ can thiệp để chặn đà tăng của đồng yen, trong khi Mỹ phản đối can thiệp vào tỉ giá thị trường.
Các nước vẫn chưa thống nhất được bất đồng về các chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trong phải có chính sách tài khóa linh động để có thể khôi phục kinh tế, trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ bi quan về khả năng tăng chi tiêu có thể thúc đẩy tăng trưởng. Reuters dẫn một số nguồn tin chính phủ Nhật cho biết Nhật sẽ tiếp tục trì hoãn tăng thuế trong tình hình lạm phát tăng cao và trong bối cảnh kỳ bầu cử đang tới gần.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) tại hội nghị. (Ảnh: REUTERS)
Các lãnh đạo G7 cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực đưa nợ công vào tầm kiểm soát. Tuyên bố chung nhận định sản xuất công nghiệp toàn cầu đang thừa công suất, đặc biệt ngành thép.
Về khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào tháng tới, G7 nhận định điều này nếu xảy ra sẽ là một nguy cơ lớn với tăng trưởng toàn cầu.
Lo ngại tình hình biển Đông
G7 nhận định tình hình di cư, nhập cư trên thế giới là một thách thức lớn, thống nhất sẽ tăng hỗ trợ toàn cầu giúp đỡ các nhu cầu trước mắt và dài hạn cho người di cư.
G7 yêu cầu Triều Tiên thực hiện toàn diện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, ngừng thử hạt nhân, phóng tên lửa cũng như các hành động hiếu chiến khác.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại hội nghị. Ảnh: REUTERS
G7 lên án Nga sáp nhập bán đảo Crime, đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn buộc Nga trả giá. Tuy nhiên, G7 cũng để mở khả năng thu hồi các lệnh trừng phạt trước đó nếu Nga nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận và tôn trọng chủ quyền Ukraine.
G7 cũng nêu lo ngại về tình hình biển Hoa Đông và biển Đông. Tuyên bố chung không đề cập cụ thể tên Trung Quốc, tuy nhiên nhắc lại sự ủng hộ của mình với việc giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình và tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở các khu vực này.
G7 kêu gọi các nước liên quan tranh chấp kiềm chế không có hành động đơn phương gia tăng căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.