Pháp Luật TP.HCM từng lên tiếng về những dấu hỏi lớn với bài “Mớ bòng bong ở LĐQV Việt Nam” và “Mớ bòng bong bắt đầu bể ra”, “Đại hội LĐQV Việt Nam đi đâu về đâu?”... Các bài viết đề cập về những vi phạm trong quy chế cùng việc điều hành sai điều lệ và sai cả nguyên tắc (đặc biệt những vấn đề liên quan đến tài trợ, tài chính của LĐQV Việt Nam).
Từ giám sát thành… dự thính
Nhưng điều khiến dư luận và nhiều người thắc mắc là vai trò “giám sát” và quản lý về mặt nhà nước của Tổng cục TDTT. Tại LĐQV Việt Nam, có rất nhiều cuộc họp ban chấp hành hoặc họp Thường vụ LĐQV Việt Nam diễn ra với sự tham dự và giám sát của đại diện Tổng cục TDTT. Nhưng sau những tranh luận, những vấn đề sai phạm được chỉ ra thì cuối cùng LĐQV Việt Nam này cũng kết thúc trong cảnh “hòa cả làng”, còn đại diện Tổng cục TDTT trong vai trò chỉ đạo lại như họp dự thính (!?).
Vì thế mà năm 2016, Phó Chủ tịch LĐQV Việt Nam Trần Ngọc Lịnh đã trình bày về những sai phạm của một số thành viên trong LĐQV Việt Nam tự tiện làm sai điều lệ và không thông qua ban chấp hành. Vi phạm về quy định tài chính. Cụ thể như tổ chức giải David Cup không thông qua kế hoạch tổ chức với Ban Chấp hành LĐQV Việt Nam; không báo thu chi; tự in vé bán (rồi đổ cho Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhưng không đưa ra được bằng chứng) và cũng không có bộ phận kiểm soát việc in, thanh lý vé… Lạ lùng nhất là việc tổ chức giải Việt Nam Open xin tài trợ trên 12 tỉ đồng rồi lại ủy quyền cho công ty tư nhân tổ chức hết các khoản chi và chỉ giao lại cho LĐQV Việt Nam 200 triệu đồng… Ngoài ra còn những sai trái như ủy quyền cho đại diện của LĐQV Việt Nam là người không có tên trong ban chấp hành lẫn không đủ tư cách đi họp và giao dịch ở nước ngoài làm ảnh hưởng đến uy tín LĐQV Việt Nam…
Trong khi Lý Hoàng Nam mang về niềm tự hào cho thể thao Việt Nam thì LĐQV Việt Nam lại đang rối rắm với những sai phạm trong điều lệ gây mất niềm tin của người hâm mộ. Ảnh: MINH QUANG
Đề cử cán bộ điền kinh làm phó chủ tịch quần vợt
Đáng chú ý là trong khi đơn kiện và khiếu nại lẫn tố cáo do Phó Chủ tịch LĐQV Việt Nam Trần Ngọc Linh gửi đến bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ VH-TT&DL và các đơn vị liên quan đề cập hàng loạt bất thường. Đó là việc vi phạm điều lệ, quy định tài chính và đặc biệt là một vài thành viên tự tiện thực hiện hàng loạt điều nghiêm trọng mang tiếng xấu cho quần vợt Việt Nam. Chẳng hạn giao cho một Việt kiều không có tên trong ban chấp hành đại diện LĐQV Việt Nam thực hiện các giao dịch lẫn tham gia vào tạp chí của LĐQV Việt Nam; tự tiện thay đổi nhiều điều khoản trong các hợp đồng có lợi cho đối tác nhưng gây thiệt hại lớn cho LĐQV Việt Nam… Cũng vấn đề trên, các cơ quan ngôn luận và đặc biệt là báo Lao Động đã chỉ ra bất hợp lý trong bộ máy và hoạt động của LĐQV Việt Nam. Đó là đại diện LĐQV Việt Nam là phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Kỳ đã ký kết với một công ty “độc quyền sở hữu, thụ hưởng và toàn quyền khai thác giải đấu của LĐQV Việt Nam”: Trong khi người đại diện pháp luật của công ty này chính là ông phó chủ tịch kiêm tổng thư ký, tức tay trái ký với tay phải. Ngoài ra, phó giám đốc công ty trên lại là con trai của ông tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khiến toàn bộ ban chấp hành nghi ngờ về việc vì sao Tổng cục TDTT “thả lỏng” để LĐQV Việt Nam hoạt động và vi phạm nhiều vấn đề nhưng vẫn cứ khép lại để tổ chức đại hội.
Lạ ở chỗ là với hàng loạt khúc mắc trên mà LĐQV Việt Nam không giải quyết rốt ráo nhưng vẫn tiến hành đại hội và chuẩn bị bầu bán và đề cử dân điền kinh làm phó chủ tịch LĐQV thì LĐQV Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ ra sao?