Găm lúa gạo để đẩy giá: Coi chừng mất thị trường

(PLO)- Các chuyên gia cảnh báo tình trạng thu gom lúa nhưng găm trữ hàng không bán ra, đợi giá tăng cao như năm 2023 để kiếm lợi lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 12-2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (VN) lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay với mức 663 USD/tấn cho loại gạo trắng 5% tấm. Mức giá xuất khẩu cao kéo dài đến đầu tháng 2-2024 thì bắt đầu sụt giảm xuống mức khoảng 638 USD/tấn nhưng vẫn cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Pakistan.

Tuy nhiên, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu lại đột ngột giảm mạnh. Thậm chí có thời điểm trong tháng 3 giá gạo xuất khẩu xuống mức 580 USD tấn, thấp hơn Thái Lan.

Bỏ tiền đặt cọc, ép giá, găm hàng

Lý giải nguyên nhân giá gạo xuất khẩu lao dốc, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Vrice Group, cho biết do thị trường tiêu thụ giảm sút. Trong khi đó, cả VN và Thái Lan đều đang thu hoạch rộ vụ đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất trong năm, do đó nguồn cung khá dồi dào. Các nhà nhập khẩu gạo lớn đều nắm rõ thời điểm thu hoạch và sản lượng lúa gạo từ các quốc gia nên họ không vội vàng mua vào mà có tâm lý chờ để trả được giá tốt hơn.

thu-hoach-lua-gao 1.jpg
Giá gạo giảm một phần do hiện nay thu hoạch chính vụ, các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm. Ảnh: HUỲNH DU

Chính vì vậy, đơn hàng xuất khẩu còn rất ít. Hiện chỉ Indonesia, Philippines mua với số lượng vừa phải và giá giảm hơn trước Tết rất nhiều. “Đơn hàng xuất sang châu Phi, Trung Đông và châu Âu còn ít hơn vì những biến động chính trị, vận tải biển bị ảnh hưởng, cước phí tăng cao” - ông Có chia sẻ.

Nghịch lý là giữa lúc đầu ra xuất khẩu giảm, giá giảm thì thị trường lúa gạo trong nước lại xảy ra tình trạng găm hàng, giữ giá, không chịu bán ra cho doanh nghiệp.

“Có tình trạng thương lái mấy tháng trước lúc giá lúa gạo cao thì tranh mua, đặt cọc với nông dân giá cao. Thế nhưng khi giá gạo xuất khẩu giảm, giá lúa gạo trong nước giảm theo thì họ lại bỏ tiền đặt cọc hoặc ép mua giá thấp. Ví dụ trước đây họ đặt cọc mua giá lúa tại ruộng là 9.000 đồng/kg thì giờ chỉ mua với giá 7.000-7.500 đồng/kg, không bán thì họ bỏ tiền đặt cọc” - ông Có nói.

Một thực trạng đáng lo khác là thị trường trong nước vẫn kỳ vọng giá gạo sẽ tăng cao nên các thương lái, nhà máy găm hàng với kỳ vọng giá sẽ tăng cao như năm 2023, bán lời nhiều hơn. Hệ lụy nếu giá gạo xuất khẩu giảm nữa, doanh nghiệp không dám mua, chế biến xuất khẩu vì thua lỗ, thương lái găm hàng cũng có nguy cơ thua lỗ.

thu-mua-lua-gao 4.jpg

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết đơn hàng xuất khẩu hiện nay của công ty đều giảm sút, giá xuất khẩu cũng giảm. Gạo trắng 5% tấm có giá dưới 600 USD/tấn, trong khi tuần trước vẫn ký được giá tốt hơn. “Hiện các nước đã thu mua lượng lớn hàng trữ nên giảm mua là điều dễ hiểu” - ông Long nói.

Đại diện một số công ty khác cũng cho hay những ngày qua tại ĐBSCL đã xảy ra hiện tượng nhiều thương lái bỏ tiền đặt cọc do giá lúa liên tục giảm và các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống. Nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm do hiện nay thu hoạch chính vụ, các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm dẫn đến sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa, Philippines, Thái Lan, Indonesia cũng thu hoạch vào đúng tháng 3 đến tháng 5. Bên cạnh đó, một số nước châu Phi đang tồn nhiều gạo.

Theo Bộ NN&PTNT và một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Niño và xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

Bỏ tâm lý kỳ vọng, đa dạng thị trường

Nhiều chuyên gia cảnh báo nông dân, thương lái lẫn doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần bỏ tâm lý kỳ vọng giá gạo tăng cao hơn nữa trong năm 2024. Bởi lẽ năm 2024 có nhiều biến động, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lương thực toàn cầu như biến động địa chính trị, căng thẳng ở biển Đỏ tác động tiêu cực đến logistics.

Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt Nguyễn Thanh Long phân tích: Trước đây giá gạo VN xuất khẩu chỉ ở mức 400 USD/tấn trong thời gian dài, giá lúa nông dân bán chỉ ở mức dưới 6.000 đồng/kg. Còn hiện nay dù giá lúa gạo đã quay đầu giảm nhưng vẫn tăng khoảng 40% nếu so với thời điểm đầu năm 2023. Với giá lúa như hiện nay, nông dân vẫn có lời, giá gạo trắng xuất trên dưới 600 USD/tấn vẫn lãi.

“Tuy nhiên không nên kỳ vọng, găm hàng đẩy giá, mua đi bán lại như đang diễn ra giữa các thương lái với nhau. Các cơ quan quản lý ngành lúa gạo cũng cần theo dõi sát tình hình thị trường, cảnh báo sớm chứ không chỉ dự báo kiểu kỳ vọng giá sẽ còn tăng nữa bởi một lý do đơn giản là biến đổi khí hậu El Niño trên toàn thế giới” - ông Long lưu ý.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho rằng thị trường lúa gạo trong năm 2024 sẽ tiếp tục có những biến động khó lường. Gạo VN cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng gạo xuất khẩu, tạo uy tín, giữ vững thị trường. Theo thống kê, năm 2023 gạo thơm, gạo chất lượng cao chiếm hơn 75% cơ cấu gạo xuất khẩu, chứng tỏ gạo VN đang có thay đổi rõ rệt theo hướng bền vững, chất lượng cao.

“Ngoài các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines thì các nhà xuất khẩu cần đa dạng thị trường hơn. Như các thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông đang có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN tham gia. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng gạo VN, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của từng quốc gia, khu vực” - ông Nam nói.

Ẩn số từ gạo Ấn Độ

Theo tôi, giá gạo xuất khẩu có thể sụt giảm nếu Ấn Độ cho xuất khẩu trở lại bình thường. Lượng gạo nước này trữ rất lớn, nếu bán ra thì giá thế giới sẽ giảm theo. Ngoài ra, gạo VN có nguy cơ mất thị trường rất cao khi Ấn Độ có vị trí địa lý gần với những nước đang nhập gạo của VN rất nhiều và đang tăng trưởng tốt như Trung Đông, châu Phi.

Với biến động chính trị, cước phí tàu biển tăng cao, các thị trường trên sẽ mua gạo Ấn Độ với giá rẻ hơn, vận chuyển thấp hơn nhiều.

Ông PHAN VĂN CÓ, Giám đốc marketing Vrice Group

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm