Lợi ích nhiều bề khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo

(PLO)- Thương lái cũng chịu nhiều rủi ro, sóng gió trên thương trường như bao nông dân phải bỏ mặc nông sản trên đồng, trong vườn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh và hiệu quả cao, trong Chỉ thị 10 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Qua đó để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp (DN), vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo.

Đa số doanh nghiệp đang mua lúa gạo thông qua thương lái

Là một đơn vị chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đại Dương phải thực hiện thu mua lúa gạo thường xuyên với số lượng lớn. Và việc thu mua lúa gạo của công ty này chủ yếu được thực hiện thông qua thương lái.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Đồng, Tổng Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi không thu mua trực tiếp từ nông dân. Một phần vì công ty tôi ở Hà Nội nên không thể thường xuyên vào Cần Thơ, An Giang hay Đồng Tháp... Kể cả nếu công ty đặt trụ sở trong đó thì chúng tôi cũng không thể đến từng hộ, từng nhà để thu mua lúa gạo, rất mất thời gian mà chi phí mua qua thương lái so với thu mua trực tiếp của nông dân chênh lệch không đáng kể”.

Một DN khác có trụ sở ở TP.HCM, Công ty TNHH VRice Group, đơn vị chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Đông, cũng cho hay đang áp dụng hai hình thức thu mua lúa gạo. Một là ký hợp đồng liên kết với nông dân, các hợp tác xã. Hai là mua hàng thông qua thương lái.

Chia sẻ về lý do khiến công ty áp dụng song song hai mô hình này, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRice Group, cho biết: Năm 2023, khi giá lúa gạo tăng đột biến, một số mô hình liên kết với công ty bị phá vỡ dù đã ký hợp đồng, đặt cọc trước nhưng nông dân vẫn hủy kèo khiến công ty thu mua không đủ sản lượng. Do vậy, năm 2024, công ty quyết định hạn chế thu mua qua hợp đồng liên kết, tập trung sang thu mua qua thương lái.

Để lúa gạo đến được thị trường, đội ngũ thương lái là chiếc cầu nối không thể thiếu. Ảnh: HUỲNH DU
Để lúa gạo đến được thị trường, đội ngũ thương lái là chiếc cầu nối không thể thiếu. Ảnh: HUỲNH DU

“Mua qua thương lái giúp chúng tôi đỡ căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra vì không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài, 2-3 tháng, giúp vốn không bị đọng lại. Hơn nữa, giá cả mua qua thương lái được áp dụng theo biến động của thị trường lúc đó. Những yếu tố này giúp chúng tôi chủ động hơn trong vấn đề đàm phán giá cả với người mua nước ngoài” - ông Có chia sẻ.

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho hay: Ở Việt Nam, chúng ta hay có góc nhìn không tốt với cụm từ “thương lái”. Có thể là vì trong thực tiễn, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng thương lái ép giá, bể kèo, bỏ cọc khiến nhiều người chỉ nhìn một chiều mà quên mất những mặt tích cực của họ.

Thương lái cũng là người kinh doanh. Đặc biệt, họ biết tốt thông tin thị trường, biết công ty, chợ đầu mối nào đang có nhu cầu mua gì, loại nào, sản lượng bao nhiêu, vùng trồng nào có thể đáp ứng…

“Thương lái cũng có vốn, tiền mặt và nông dân luôn thích bán cho thương lái vì thích “tiền trao, cháo múc”. Trong khi đó, DN vì nhiều nguyên nhân khác nhau như quy trình nhập kho, thanh toán qua ngân hàng… nên không thể trả 100% tiền mua nông sản tại ruộng mà phải chậm 5-10 ngày” - ông Hải phân tích.

Để thương lái đồng hành với bà con, doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu nhìn nhận cả hai chiều và thực trạng của chuỗi ngành hàng lúa gạo hiện nay thì rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của thương lái. DN không thể đủ khả năng đi thu gom toàn bộ lúa gạo và nếu có làm được thì chi phí cũng cao.

Hơn nữa, hiện tại trên 50% nông dân vẫn thích sản xuất tự do, chưa vào hợp tác xã, chưa thích liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi với DN. Khi nào nông dân vẫn quen hình thức “giao lúa xong, lấy tiền liền tại ruộng” thì ngày đó, vai trò của thương lái còn quan trọng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Thế nhưng về pháp lý, DN phải đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh, hộ cá nhân cũng phải đăng ký với cơ quan nhà nước nhưng thương lái “chưa có văn bản pháp luật nào để quản lý”.

Vì vậy, ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nêu quan điểm: Việc đưa thương lái vào chuỗi ngành hàng lúa gạo là chính sách, chủ trương hoàn toàn đúng. Hiện nay các quy định pháp luật chưa kiểm soát được họ thì mình kiểm soát bằng cách giới thiệu họ vào chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức cho họ; hỗ trợ nguồn lực nhất định để lựa chọn ra những thương lái uy tín, loại bỏ bớt những thương lái làm ăn không đàng hoàng. Như vậy vừa tốt cho nông dân, tốt cho DN, tốt cho chính bản thân thương lái và về mặt quản lý nhà nước cũng quản lý được.

“Chỉ cần 20%-30% lực lượng thương lái tham gia vào chuỗi, chịu đăng ký tham gia làm thành viên của hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, tham gia vào các câu lạc bộ, cộng đồng DN là đã thành công rồi. Tôi tin chắc Bộ NN&PTNT sẽ lựa chọn được những thương lái tốt để cùng đồng hành với bà con, DN trong chuỗi” - ông Hải chia sẻ.

Ở góc độ DN, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group, cho rằng thương lái nên được quản lý theo diện như phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể để ràng buộc trách nhiệm.

“Bên cạnh đó, khi thương lái ký hợp đồng với DN, hộ nông dân thì các bên cần thiết lập các điều khoản hợp đồng chặt chẽ để bắt buộc các bên phải thực hiện hợp đồng đó, chứ không thể có chuyện tới mùa thấy giá lúa không được thì họ bỏ cọc. Nếu họ không thực hiện thì phải có biện pháp chế tài” - ông Có gợi ý.

Hỗ trợ thương lái thay vì chỉ trích

Nếu chưa nắm bắt được quy luật cung cầu của nền kinh tế, cứ “trăm dâu đổ đầu… thương lái” thì không giúp ích được gì, mà lại tạo ra hố ngăn cách giữa nông dân và thị trường. Thương lái cũng chịu nhiều rủi ro, sóng gió trên thương trường như bao nông dân phải bỏ mặc nông sản trên đồng, trong vườn vậy.

Vì vậy thay vì ngồi đó mà chỉ trích thương lái thì tại sao không tập hợp họ lại, hỗ trợ họ kiến thức pháp luật, nguồn lực nhất định. Qua đó hướng họ đi theo đúng quỹ đạo của một nền nông nghiệp mới - một nền nông nghiệp đang được tái cơ cấu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm