Tôm cua ở Kiên Giang chết do nắng nóng

(PLO)- Những ngày gần đây, nắng gay gắt và kéo dài khiến độ mặn trong nước tăng cao làm tôm, cua nuôi của người dân trên địa bàn huyện An Minh (Kiên Giang) chết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-3, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh Lê Văn Khanh cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3-2024, nắng nóng gay gắt và kéo dài khiến nồng độ mặn ở các vuông nuôi tôm, cua của người dân trên địa bàn tăng cao.

Một số vuông ghi nhận có tình trạng tôm, cua chết khoảng 80ha. Ngoài ra, tôm nuôi của người dân cũng có bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, ghi nhận khoảng 60ha.

Tôm cua ở Kiên Giang chết do nắng nóng
Ông Nhanh tranh thủ đặt rập cua với hy vọng bắt cua còn sót lại trong vuông. Ảnh: MINH TRUNG

“Sau khi nhận được tin báo của người dân, chúng tôi cử cán bộ ghi nhận sự việc, lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời hỗ trợ hơn 7 tấn Chlorine để người dân kịp thời dập dịch bệnh trên tôm để chuẩn bị thả nuôi mới. Phòng cũng khuyến cáo bà con chủ động lấy nước sạch, gia cố bờ bao và giữ mực nước 40-50cm nước so với bề mặt đất cao nhất trong vuông nhằm hạn chế sức nóng do nắng gắt” - ông Khanh nói.

Song song đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cũng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để bà con chủ động trong việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên tôm, cua...

Tại hộ ông Huỳnh Thanh Nhanh, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (hộ bị thiệt hại 1ha tôm, cua nuôi do nắng nóng và dịch bệnh) vẫn còn xác cua, tôm chết đang phân hủy. Ông Nhanh chia sẻ: “Tôi thả tôm sú được khoảng 40 ngày, tôm đạt khoảng 80 - 100 con/kg. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng dịch bệnh nên tôm, cua gia đình tôi nuôi chết ước hơn 60%”.

Theo ông Nhanh, sau khi ghi nhận tôm, cua chết ông báo cáo với địa phương và được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, xử lý nước nên tình hình tạm ổn nhưng hiện tôi vẫn chưa dám thả giống lại” - ông Nhanh cho hay.

Tôm cua ở Kiên Giang chết do nắng nóng
Cua biển chết trong vuông của ông Nhanh. Ảnh: MINH TRUNG

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình nuôi tôm - cua - lúa trên địa bàn nhiều năm qua trở thành mô hình kinh tế chủ lực của địa phương.

Hiện tôm sú loại 30 con/kg được thương lái mua với giá 160-165 nghìn đồng/kg; cua gạch giá khoảng 450 nghìn đồng/kg; cua y giá 250-300 nghìn đồng/kg…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm