Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện khu vực nội thành TP Hà Nội có 1.078 điểm dừng, đón, trả khách cho xe buýt. Tuy nhiên, chỉ 365 nhà chờ có mái che. Các nhà chờ này do nhiều nhà đầu tư tham dự xây dựng nên thiếu sự đồng bộ về thiết kế. Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
Vì vậy, Sở GTVT đề xuất xây dựng các nhà chờ xe buýt mới, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại cũng như phù hợp mỹ quan đô thị. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt; Tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.
Nhà chờ của tuyến buýt nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã là nhà chờ xe bus tiện nghi, hiện đại nhất Hà Nội.
Dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận, huyện được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư tất cả các hạng mục công trình. Đổi lại, nhà đầu tư được kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn. Thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm.
Dự kiến có 600 nhà chờ xe buýt được đầu tư, xây dựng và lắp đặt mới. Trong đó, lắp đặt mới 270 nhà chờ và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; Lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2 m; Lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ WiFi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến thời gian xây dựng ban đầu của dự án là 7 năm và thời gian hoạt động trong 20 năm.