Nói về lý do xin bố trí nguồn vốn từ Nhà nước cho dự án này, đại diện Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Bộ GTVT cho hay theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (hiệu lực từ ngày 1-1-2018), việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho dự án có thay đổi. Cụ thể là quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương phải được thực hiện theo Luật Đấu giá chứ không giao cho nhà đầu tư thu phí như phương án ban đầu.
Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không sử dụng hỗ trợ Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương và kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 932 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án.
Thi công đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thuộc tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ, là tuyến giao thông quan trọng trong hệ thống cao tốc Bắc-Nam phía Đông; góp phần kết nối trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Bộ GTVT nhận định đây là một tuyến đường dự kiến lượng phương tiện sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, đặc biệt sau khi cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư. Do đó, việc sớm triển khai dự án là rất cần thiết và cấp bách.
Đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có chiều dài 23,6 km, điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 80 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), điểm cuối tại nút giao Chà Và với quốc lộ 1 (tỉnh Vĩnh Long). Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô bốn làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỉ đồng.