Gần 2 năm không được giải quyết hồ sơ đất

(PLO)- Một người dân gần hai năm không được giải quyết hồ sơ đất vì văn phòng đăng ký đất đai chờ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, ông Trần Ngọc Phương (ngụ huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) có phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về việc bị từ chối tách thửa kết hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất hơn hai năm qua.

Bản án thực hiện xong vẫn bị dừng giao dịch đất

Ông Trần Ngọc Phương trình bày: Tháng 4-2022, ông và ông NĐH nhận chuyển nhượng của ông NNV và bà HTAN thửa đất số 3 có diện tích 1.816 m2 tại thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm.

Thửa đất này có nguồn gốc do bà TTT được thừa kế theo Bản án dân sự phúc thẩm số 100 ngày 10-3-2021 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Bản án tuyên giao bà T được quyền sử dụng thửa đất trên và liên hệ với các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất.

hồ sơ đất
Lô đất gần hai năm không được giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển nhượng. Ảnh: HH

Năm 2018, bà T đã chuyển nhượng lại thửa đất này cho ông V. UBND huyện Cam Lâm đã cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V vào ngày 13-6-2018.

Đến tháng 4-2022, ông V nộp hồ sơ xin tách thửa đất trên thành hai thửa 3-1 và 3-2. Sau đó, ông V đã chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Phương và ông H. Ông Phương và ông H tiếp tục có đơn xin tách thửa kết hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời hoàn thành các nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, thời điểm này, thửa đất đang bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cam Lâm đề nghị dừng biến động do chưa thực hiện xong bản án phúc thẩm.

Đến ngày 25-5-2022, Chi cục THADS huyện Cam Lâm có thông báo việc các đương sự đã thực hiện xong bản án. Do đó, Chi cục THADS huyện Cam Lâm thông tin để Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) Chi nhánh Cam Lâm tạo điều kiện cho ông V giao dịch dân sự đối với thửa đất số 3 nêu trên.

Mặc dù đã có thông báo của Chi cục THADS, Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm vẫn không thực hiện các thủ tục tách thửa kết hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Văn phòng đăng ký đất đai nói gì?

Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm lấy lý do ngày 26-5-2022 đã nhận được đơn đề nghị dừng giao dịch thửa đất số 3 của ông NĐH - nguyên đơn trong vụ án dân sự nêu trên, kèm thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao.

Tiếp đó, trong văn bản phúc đáp ông Phương ngày 21-11-2022, Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm cho rằng đã hai lần có văn bản đề nghị TAND Tối cao thông tin đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm chưa nhưng không nhận được phản hồi.

Sau đó, Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm đã căn cứ vào Công văn 827 của TAND Tối cao ngày 26-9-2022 để dừng giải quyết hồ sơ của ông Phương. Điều đáng nói là Công văn 827 được TAND Tối cao gửi cho các đương sự trong vụ án cho biết VKSND Tối cao đang xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Gần hai năm qua, ông Phương liên tục có đơn đề nghị giải quyết hồ sơ nhưng Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm vẫn từ chối với lý do chờ VKSND Tối cao giải quyết.

Trả lời PV, ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm, cho biết đã nắm được vụ việc này và đã có văn bản đề nghị VKSND Tối cao cung cấp thông tin tiến độ giải quyết vụ án.

Ông Phong cho rằng trường hợp của ông Phương được phép tách thửa kết hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Ông Phong không biết lý do tại sao trường hợp này kéo dài vì ông mới về nhận nhiệm vụ.

Ông Phong cho biết theo thủ tục, Văn phòng ĐKĐĐ Chi nhánh Cam Lâm vừa có văn bản đề nghị VKSND Tối cao cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc. Nếu không nhận được phản hồi, cơ quan này sẽ đề nghị thực hiện giải quyết hồ sơ cho ông Phương theo quy định.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện vẫn thực hiện các thủ tục biến động về đất đai bình thường theo quy định.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho biết thông báo nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm không có giá trị về pháp lý để hạn chế quyền định đoạt tài sản chủ sở hữu. Đây không phải là văn bản, quyết định tố tụng dân sự về việc hoãn THADS hay quyết định kháng nghị bản án dân sự có hiệu lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm