Đó là nhận xét của TS Võ Đại Lược (Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải) trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó báo chí thông tin năm 2016, tỉnh Hậu Giang có 281 cán bộ cơ sở xin nghỉ việc vì lý do về kinh tế, lương thấp, không đủ chi phí cơ bản lo cho gia đình, con cái. Những cán bộ nghỉ việc chủ yếu công tác tại các cơ quan như MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và có cả nhân viên công tác trong lực lượng vũ trang.
Không phải là hiện tượng xấu
. Phóng viên: Thưa ông, nhưng liệu lương không đủ sống có phải là lý do chủ yếu?
+ GS-TS Võ Đại Lược: Rõ ràng tiền lương hiện nay đối với cán bộ, công chức, viên chức thì không đủ nuôi sống gia đình. Bởi vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức vẫn sống đàng hoàng thì đằng sau đó phải là câu chuyện khác, không loại trừ chuyện tiêu cực.
Một khi xảy ra chuyện tiêu cực trong việc kiếm sống của một cán bộ công quyền thì hệ quả để lại là rất lớn. Nhưng câu chuyện ở Hậu Giang lại mang đến tín hiệu khác. Bởi rõ ràng có một nguyên lý ở đây là: Lương không đủ sống thì họ nghỉ, đi kiếm việc khác để mưu sinh chứ không cố gắng ở lại để kiếm sống bằng những cách tiêu cực.
Tôi đánh giá đó không phải là một hiện tượng xấu, mà là một hiện tượng đáng để các nhà lãnh đạo suy nghĩ.
. Vậy phải chăng ta cần tăng lương cho cán bộ, công chức?
+ Vấn đề tăng lương cho đội ngũ công chức đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi. Nhưng rốt cuộc vẫn phải thừa nhận khó có thể tăng lương vì ngân sách hạn hẹp. Muốn tăng lương, chỉ có một cách là giảm biên chế. Biên chế hiện nay quá nhiều, quá dư thừa. 90 triệu dân nhưng số lượng công chức hơn 2 triệu, rồi người hưởng lương từ ngân sách lên đến hơn 11 triệu.
Cho nên giảm biên chế để tăng lương là biện pháp căn cơ.
Theo TS Võ Đại Lược, giảm biên chế để tăng lương là biện pháp căn cơ. Ảnh minh họa: HTD
Biên chế đang dư thừa rất nhiều
. Nhưng một vấn đề nhiều người đang lo ngại: Tinh giản biên chế rồi số biên chế bị giảm, dư thừa… sẽ ra sao, tìm việc ở đâu?
+ Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã được mở rộng hơn, năng động hơn và được Đại hội XII xác định là một trong những động lực quan trọng của phát triển. Tôi nghĩ thị trường hiện nay hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này.
Biên chế hiện nay, theo tôi đang dư thừa rất nhiều. Lẽ ra chỉ cần khoảng năm người thì lại có tới 10-15 người. Sở dĩ người ta vẫn cố gắng vào biên chế là bởi vì người ta còn kiếm được nhiều lợi lộc từ đây, nhất là ở những nơi có quyền ban phát.
. Trong khi ông nói là biên chế dư thừa thì nhiều nơi vẫn than thiếu người làm việc nên đề xuất tăng biên chế. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Dễ hiểu thôi! Bởi nếu một cơ quan được cho phép thêm biên chế thì những biên chế ấy lại sinh ra tư lợi. Bởi thế cho nên mới xảy ra tình trạng nhiều cơ quan “sếp nhiều hơn nhân viên”. Tất cả điều ấy lẽ ra phải được thể chế hóa và thắt chặt hơn.
Tôi cho rằng chúng ta phải hướng tới một bộ máy quản trị quốc gia hiện đại nhất, tinh gọn nhất. Nghị quyết Đại hội XII cũng đã nói đến điều này nhưng hệ thống pháp luật vẫn chưa tương thích.
Nên giảm đầu mối cơ quan
. Quay trở lại với chuyện ở Hậu Giang, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể được cho là những nơi có nhiều người xin nghỉ nhất. Điều đó có ý nghĩa gì thưa ông?
+ Nếu nhìn sang Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ từng giải tán nhiều cơ quan xét thấy là không cần thiết và chuyện giảm biên chế lập tức thực hiện được.
Chúng ta cũng bắt đầu thực hiện công việc này khi có những đề xuất sáp nhập Sở KH&ĐT, Sở Tài chính thành một sở. Hoặc đề ra những sở mềm không cần thiết đối với nhiều địa phương. Tôi cho rằng muốn giảm biên chế thì bộ máy phải giảm xuống. Nếu ta giảm các cơ quan thì xin-cho cũng giảm, thậm chí bị triệt tiêu. Những cấp có quyền ban phát, quyền cho cũng giảm đi.
Hiện nay, bộ máy của Đảng, chính quyền, mặt trận và nhiều tổ chức, đoàn thể đang theo mô hình dọc, trên có gì dưới có nấy. Liệu điều này có cần thiết và hữu hiệu nữa không?
Xem xét cách thức cầm quyền của các nước tiên tiến, ta thấy có những khác biệt cơ bản. Khi đảng cầm quyền cử một người ra làm tổng thống, thị trưởng… thì người đó được toàn quyền điều hành. Đó là phương thức cầm quyền trực tiếp.
. Vậy câu chuyện Hậu Giang nên là một dịp để nhìn nhận và thực hiện một cải cách chăng?
+ Hiện tượng này thể hiện rằng bộ máy của chúng ta còn nhiều vấn đề. Tại sao hàng trăm cán bộ phải nghỉ? Ngoài lý do về lương thấp hay còn lý do gì khác? Nếu tôi vào một cơ quan làm việc, ngoài lương thấp, tôi còn không được làm những gì hữu ích, không có triển vọng. Vậy tôi có nên ở lại hay không? Đây là những câu hỏi cần đặt ra đối với những vấn đề bộ máy.
Thời Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Chính đã thực hiện một số thí điểm liên quan đến bộ máy. Chẳng hạn đối với tổ chức mặt trận, ngoài chủ tịch thì những cấp phó sẽ là chủ tịch các hội, đoàn khác. Điều đó có nghĩa là ông Chính đã lồng ghép các hội, đoàn khác vào mặt trận theo đúng tính chất và chức năng. Điều đó làm giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.
Những sáng kiến tương tự như vậy vẫn còn đang rải rác và cần nhiều sáng kiến hơn nữa để mau chóng hình thành một chiến lược cải cách bộ máy quản trị quốc gia.
. Xin cám ơn ông.