Gạo Việt tranh 'ngôi vương' thế giới bằng đẳng cấp chất lượng

(PLO)- Chiến lược của Việt Nam là tập trung nâng cao giá trị hạt gạo, tạo giá trị gia tăng trên cùng một diện tích sản xuất lúa để nâng cao thu nhập cho nông dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Dự kiến cần hơn 600 triệu USD để thực hiện đề án này.

Vậy Việt Nam cần làm gì để hiện thực hóa đề án trên? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, thuộc Bộ NN&PTNT, về vấn đề này.

Lần đầu trồng lúa giảm phát thải

. Phóng viên:Nhiều chuyên gia nhận xét trước đây đề án cánh đồng mẫu lớn chưa phát huy hết hiệu quả, vậy theo ông, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải liệu có khả thi?

Gạo Việt tranh 'ngôi vương' thế giới bằng đẳng cấp chất lượng
TS Trần Minh Hải.

+ TS Trần Minh Hải: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải (gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) về tư duy cơ bản tương tự đề án cánh đồng mẫu lớn, tức là sản xuất với quy mô tập trung. Tuy nhiên, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chi tiết hơn, hoàn thiện hơn, kèm theo nhiều điều kiện, tiêu chuẩn nhắm đến phương pháp sản xuất xanh, hữu cơ gắn với giảm phát thải nhà kính.

Đề án này cũng xác định người dẫn dắt nông dân tổ chức sản xuất là các hợp tác xã. Hợp tác xã là đối tác của doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để tăng cường liên kết, nâng tầm chuỗi giá trị cây lúa. Đặc biệt, đề án đã có 180.000 ha canh tác bền vững từ chương trình “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” được Ngân hàng Thế giới và Bộ NN&PTNT triển khai ở vùng ĐBSCL.

. Theo ông, thách thức lớn nhất của đề án này là gì và Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức đó?

+ Theo tôi, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao bên cạnh những thuận lợi thì một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để hướng dẫn người nông dân, doanh nghiệp về sản xuất lúa phát thải thấp bởi đây là khái niệm còn khá mới đối với chúng ta. Đặc biệt, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện đề án nên giống như một người “dò đường”.

p11-thay anh.jpg
Hình thành được chuỗi liên kết mới bảo đảm giữ vững đẳng cấp của hạt gạo Việt trên thị trường thế giới. Ảnh: QH

Do đó, cần đầu tư nhiều chương trình tuyên truyền, định hướng cho nông dân, chính quyền các địa phương về sản xuất lúa carbon thấp.

Quan trọng là chất lượng, đẳng cấp gạo Việt

. Bên cạnh đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược này đề ra mục tiêu tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,62 tỉ USD. Ông đánh giá ra sao về chiến lược này?

+ Hiện nay, diện tích lúa của Việt Nam là 3,9 triệu ha và quy hoạch đến năm 2030 còn 3,5 triệu ha. Bên cạnh đó, nông dân có xu hướng giảm sản xuất ba vụ lúa/năm xuống còn hai vụ hoặc một vụ lúa/năm để kết hợp nuôi thủy sản hay cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do đó, sản lượng lúa sẽ giảm do giảm diện tích và giảm mùa vụ.

Lần thứ hai gạo Việt được tôn vinh

Theo Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu đạt 7,75 triệu tấn, giá trị 4,4 tỉ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, mới đây gạo Việt Nam đã đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 vừa diễn ra. Đây là lần thứ hai gạo Việt Nam đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm 2023 ban tổ chức không trao giải cho loại gạo cụ thể nào mà tôn vinh chung gạo của Việt Nam đoạt giải nhất. Giải nhì thuộc về Campuchia, Ấn Độ đoạt giải ba.

Hơn nữa, những năm qua Việt Nam xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng tổng giá trị xuất khẩu lúa gạo thấp hơn rau củ quả, thủy sản. Ví dụ, năm 2022 xuất khẩu gạo thu 3,3 tỉ USD, thấp hơn rau củ quả 3,45 tỉ USD, thủy sản là 11 tỉ USD.

Tóm lại, tôi cho rằng đây là chiến lược đúng đắn của Nhà nước. Việt Nam không đặt mục tiêu chạy đua để trở thành “ngôi vương” thế giới về lượng gạo xuất khẩu mà tập trung nâng cao giá trị hạt gạo, tạo giá trị gia tăng trên cùng một diện tích sản xuất lúa.

. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có lợi thế lớn về lúa gạo. Vì vậy, việc giảm diện tích lúa dẫn đến lượng gạo xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nông dân cũng như vị thế hạt gạo Việt trên thị trường thế giới?

+ Như tôi đã đề cập, chiến lược nâng giá trị hạt gạo thay vì chạy theo số lượng phù hợp với bối cảnh cũng như vị thế của Việt Nam hiện nay. Thực tế trong cơ cấu xuất khẩu gạo trước đây và hiện tại, chúng ta chủ yếu xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình và thấp.

Tuy nhiên, Việt Nam có chiến lược chuyển dần sang sản xuất, xuất khẩu nhóm gạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính để nâng cao giá trị hạt gạo. Đáng chú ý, vừa qua các công ty Việt đã khéo léo thương lượng, yêu cầu khách hàng chuyển nhu cầu sang gạo thơm, gạo chất lượng cao và ký kết hợp đồng lâu dài với giá ổn định.

Không chỉ vậy, một số công ty đã thành công trong việc yêu cầu nhà nhập khẩu gắn tên thương hiệu của công ty Việt lên sản phẩm gạo. Đây là một cách để chuyển tải thông điệp cùng đồng hành chia sẻ, hợp tác lâu dài với khách hàng thế giới.

Quan trọng là giúp nông dân làm giàu từ cây lúa

. Thực tế chứng minh Việt Nam đi sau Thái Lan trong khai thác chuỗi giá trị cây lúa, vậy chúng ta cần làm gì để khắc phục điểm yếu này?

+ Đúng vậy, chúng ta đang đi sau Thái Lan. Tuy nhiên, với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Việt Nam không chỉ bán gạo thô mà phát triển chuỗi sơ chế, chế biến các sản phẩm từ gạo. Ví dụ, trong quá trình sản xuất gạo, rơm sẽ được sử dụng để trồng nấm (hiện tại chỉ thu gom được hơn 60%, còn lại đem đi đốt). Phụ phẩm của rơm thì tạo thành phân hữu cơ để bón cho cây ăn trái. Như vậy, nông dân có thêm nguồn thu từ bán nấm, bán phân hữu cơ.

Theo tính toán, nếu khai thác hiệu quả, bình quân 1 ha trồng lúa, các hợp tác xã tạo ra cơ hội việc làm tương đương 20 ngày công, giá trị 5 triệu đồng. Như vậy, chúng ta có thể tăng được thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân trồng lúa.

. Để đạt được mục tiêu trên, theo ông, giải pháp nào mang tính quyết định?

+ Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh vai trò cũng như năng lực sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời nghiên cứu chọn tạo giống chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, hình thành chuỗi liên kết, quy hoạch những vùng nguyên liệu sản xuất lớn… Qua đó để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt.

. Xin cảm ơn ông.

Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

Tôi cho rằng việc giảm sản lượng xuất khẩu gạo theo chiến lược của Chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Bởi không chỉ bán lúa, nhà nông có thêm các giá trị gia tăng khác từ quy trình sản xuất lúa gạo theo chuỗi.

Chẳng hạn, nếu trước đây nông dân sản xuất ba vụ lúa/năm, năng suất bình quân 6 tấn/ha, tương đương 18 tấn/năm. Giá lúa trung bình 7.000 đồng/kg, tổng giá trị thu được là 126 triệu đồng/ha/năm.

Giờ đây, khi chuyển đổi sang mô hình một vụ lúa - một vụ tôm, sản lượng lúa giảm từ 18 tấn còn 5 tấn/ha/năm nhưng đây là lúa chất lượng cao, giá 13.000-14.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập cao hơn 50% so với làm ba vụ trong khi giảm được lượng phân bón, giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Chưa kể, trồng lúa trên đất nuôi tôm xuất khẩu có giá cao, có khi trên 1.000 USD/tấn.

Đồng thời, trên diện tích trồng lúa này, nông dân có thêm thu nhập từ tiền bán tôm. Hiện trung bình giá tôm là 90.000-130.000 đồng/kg, nếu thu hoạch 1 tấn tôm thì nông dân có 90-130 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị trên 1 ha lúa lớn hơn sản xuất lúa ba vụ so với trước đây.

Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai ở vùng ĐBSCL thành công có thể giảm 10 triệu tấn carbon, giúp Việt Nam thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

TS TRẦN MINH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm