Gặp nạn giữa đường biết cậy vào ai?

Gần đây báo chí, mạng xã hội đưa tin nhiều về những chiêu trò đánh vào tình thương của người khác như cho đi nhờ xe, chỉ đường, giúp đưa đi cấp cứu… để trục lợi. Chuyện ấy có thật nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà bây giờ ra đường ai cũng có tâm lý thủ thế, mặc kệ thiên hạ.

Thế nhưng có biết bao trường hợp gặp nạn thật, máu me rõ rành rành mà vẫn không được người trông thấy đoái hoài. Khi ấy có còn là phòng thủ nữa không hay dửng dưng thật sự?

Mới đây giữa chốn mua bán sầm uất, trong một ngôi chợ tại TP.HCM xảy ra vụ hai thanh niên xích mích. Người này cầm dao đâm liên tiếp vào người kia. Sự việc chỉ cách các sạp hàng đang mở cửa vài mét, nhiều người qua kẻ lại.

Người đàn ông bị đâm nhiều nhát trong chợ sau khi ngã sóng soài thì tự cố gượng dậy  nhưng không thể. (Ảnh cắt từ camera)

Hung thủ thoát chạy. Nạn nhân gục xuống, chiếc xe đổ chỏng chơ mà vẫn không có ai bước tới. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại. Nạn nhân chới với, đau đớn, loạng choạng cố tìm cách đứng lên nhưng không thể.

Một chủ sạp hàng ở ngay trước mặt người bị nạn, chứng kiến sự việc từ đầu giật mình, né lui ra khi hung thủ lao tới nạn nhân, rồi lại dọn hàng tiếp. Vài người bước đến chỉ trỏ rồi lại bỏ đi. Nạn nhân vẫn một mình vật lộn với vết thương. Phải mấy phút sau mới có người khác tiến lại gần kêu gọi xung quanh giúp đỡ. Sau đó nhiều người nữa chạy đến dựng xe, đỡ nạn nhân, sơ cứu vết thương. Trong suốt thời gian này, tiểu thương kia vẫn tiếp tục dọn hàng.

Tôi tự hỏi vì sao người ta có thể bình tĩnh đến thế khi nhìn thấy máu, thấy người khác bị đâm chém, té ngã, lê lết… ngay trước mặt mình mà không có lấy một động thái, dù chỉ là la hét do sợ hãi hay dũng cảm hơn là cất tiếng kêu cứu giùm?

Tôi vẫn nghe bọn trẻ ê a câu tục ngữ “thương người như thể thương thân”. Nhìn người bị nạn, tôi bất giác lạnh sống lưng, lo lắng cho mình, cho gia đình, người thân… chẳng may có lúc ra đường gặp nạn, nếu gặp kiểu hành xử dửng dưng thì biết cậy nhờ vào đâu? Lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có mặt sẵn tại hiện trường, người có điều kiện giúp lại không ra tay kịp thời thì có khi mất mạng chỉ vì không nhận được sự hỗ trợ kịp lúc chứ không hẳn vì bàn tay thủ ác.

Pháp luật quy định trường hợp có khả năng cứu giúp người khác mà không làm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu. Nói là nói vậy nhưng thiết nghĩ tình yêu thương, tương trợ đồng loại vốn là bản năng tự nhiên của động vật. Con người xếp đầu bảng tiến hóa, dù pháp luật không bắt buộc thì thiên hướng tự nhiên con người vẫn là thiện.

Điều đáng lo là vô cảm đang trở thành một căn bệnh của xã hội hiện đại. Chưa bao giờ mạng Internet tràn lan clip đánh đập, hạ nhục, hành hung như bây giờ. Người quay clip thản nhiên bấm máy, bình luận, cười cợt, thậm chí còn cổ vũ nhiệt tình. Một bộ phận cộng đồng càng ngày càng xa cách nhau, chai sạn tâm hồn, dần trở thành sống toan tính và lo sợ. Sợ cứu nạn thì phải làm chứng, khai báo phiền toái, sợ bị trả thù… Nỗi sợ ấy che lấp cả nỗi sợ có người mất mạng, thương tật vì sự dửng dưng của họ.

Dửng dưng trước nỗi đau, tai họa của người khác cũng là một biểu hiện của cái ác. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của cái ác. Tôi cho rằng cần lắm một điểm tựa trong cuộc sống đầy bất trắc này, đó là tấm lòng dành cho người mắc nạn. Trẻ con còn biết thương người như thể thương thân, vậy sao người lớn chúng ta không làm được?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm