Ngày 25-5, trao đổi với PLO, ông Lê Quang Nam (44 tuổi, ngụ tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho biết, mấy hôm nay ông rất mệt mỏi. Từ khi vớt được cây gỗ và bị công an lập biên bản, tạm giữ đến nay khiến mọi sinh hoạt gia đình ông trở nên đảo lộn. Công việc bị ảnh hưởng do cơ quan chức năng hay liên hệ, mời lên làm việc. Vợ thì lo sợ, con cái không yên tâm tập trung học hành.
Ông Nam cho rằng, ông rất mệt mỏi sau khi vớt được cây gỗ chìm dưới lòng đất, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. |
Trước đó, ông Nam là người đã đào được cây gỗ chìm sáu mét dưới lòng đất. Chiều dài đo đạc được khoảng 12 m, rộng 0,7 m; do quá dài nên ông Nam cắt thành ba khúc, mỗi khúc dài khoảng bốn mét.
Ngay sau khi ông Nam đưa số gỗ này về xưởng để làm đồ gia dụng thì bị cơ quan công an huyện Sa Thầy lập biên bản, tạm giữ tang vật vì cho rằng nguồn gốc không rõ ràng.
Về việc này, ông Nam không đồng tình vì cho rằng, từ khi phát hiện cây gỗ đến khi trục vớt, ông đã báo cáo chính quyền địa phương. Thế nhưng, khâu xử lý cuối cùng ông không được hướng dẫn chi tiết.
Những khúc gỗ lúc mới trục vớt dưới lòng đất ở xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Ảnh: LÊ KIẾN |
Cụ thể, khi phát hiện cây gỗ chìm dưới lòng đất của nhà ông A Khái (ở thôn Sơn An, xã Sa Sơn) thì ông Nam thỏa thuận với chủ đất và được họ cho trục vớt. Do cây gỗ còn nằm dưới lòng đất, chưa biết cây gì, dài rộng bao nhiêu nên ông Nam đề nghị UBND xã cho phép trục vớt cây gỗ.
Ngay lập tức, UBND xã Sa Sơn đã kiểm tra và lập biên bản hiện trường xác minh sự việc. Qua đó, xác định vị trí phát hiện cây gỗ nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Nguồn gốc cây gỗ bị vùi lấp không xác định được thời gian, chủng loại gỗ và khối lượng do nằm sâu trong lòng đất.
Đồng thời, UBND xã Sa Sơn đề nghị ông Nam sau khi trục vớt xong báo cáo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Nghiêm cấm sau khi trục vớt không được buôn bán, trao đổi thương mại.
“Sau khi đào cây gỗ lên, tôi chờ một tháng mười ngày mà không thấy ai nói gì hay hướng dẫn phải làm sao nên tôi đưa gỗ về xưởng xẻ ra làm đồ gia dụng. Ngay lập tức bị công an huyện đến lập biên bản, tạm giữ vì cho rằng gỗ không rõ nguồn gốc vào ngày 20-5. Ban đầu yêu cầu tôi ký nhận hành vi “cất giấu, tàng trữ lâm sản trái pháp luật”, tôi nhất quyết không ký, vì tôi đâu có vi phạm gì”, ông Nam nói.
Một đoạn gỗ được cắt xẻ sau khi trục vớt. LÊ KIẾN |
Theo ông Nam, để vớt cây gỗ này lên ông đã đầu tư rất nhiều công sức, tốn nhiều tiền của. Cụ thể, ông thuê hai máy múc, ba đến năm lao động làm liên tục trong 10 ngày, tổng chi phí hơn 90 triệu đồng.
“Việc công an tạm giữ gỗ, đúng hay sai thì tôi không rõ. Tôi chỉ mong, cơ quan chức năng trả lại số gỗ đã tạm giữ cho tôi để làm đồ gia dụng hoặc hỗ trợ đúng chi phí tôi bỏ ra”, ông Nam nói.
Trao đổi với chính quyền địa phương, ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, theo quy định của pháp luật, mọi tài sản bị chôn vùi dưới đất đều thuộc tài sản Nhà nước. Nếu muốn khai thác thì chính quyền địa phương phải lập phương án khai thác, trình cấp thẩm quyền và sau khai thác là bán đấu giá. Do vụ việc đang được công an huyện lập biên bản, tạm giữ tang vật để điều tra nên ông không thể nói gì hơn.
Tương tự, khi liên hệ với Công an huyện Sa Thầy, một lãnh đạo đơn vị này cho biết, do vụ việc đang điều tra nên không thể cung cấp thông tin. Đồng thời khẳng định, cơ quan công an đang làm đúng quy định, nếu sai thì chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cũng thận trọng nói: “Chưa thể trả lời vấn đề này, cần nhiều thời gian để nghiên cứu thật kỹ”.
Theo tìm hiểu của PLO, ngày 20-5, Công an huyện Sa Thầy đã lập biên bản số gỗ của ông Lê Quang Nam. Bước đầu, công an xác định số gỗ này không có nguồn gốc và ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Lý do tạm giữ là để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Thời hạn tạm giữ là 30 ngày.