Sáng ngày 26-4 Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
Hơn 200 chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông tham gia hội thảo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
GV kiêm nhiệm rất khó làm tốt công tác tham vấn tâm lý
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay, sự tác động của môi trường xã hội từ bên ngoài đã có những ảnh hướng nhất định đến môi trường giáo dục, đến suy nghĩ, lối sống và tư duy của một bộ phận HS.
Từ đó hình thành một bộ phận HS có lối sống tiêu cực. Sự giảm sút quan tâm của các bậc phụ huynh cũng đã tác động trực tiếp đến các HS, lứa tuổi đang rất cần được chia sẻ, được cảm thông cũng như giải đáp những thắc mắc.
Ông Dương Trí Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Những vấn đề trên đặt ra cho ngành GD-ĐT TP.HCM là cần phải có biện pháp căn cơ, có tính phòng ngừa cao đối với những thay đổi tâm sinh lý bất thường của HS. Trong bối cảnh đó, công tác tư vấn tại trường học được xem là một biện pháp tích cực, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác giáo dục hiện nay” - ông Dương Chí Dũng khẳng định.
Tại buổi hội thảo, hơn 200 chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong trường học. Bên cạnh đó cũng nêu những khó khăn thuận lợi trong công tác tư vấn tâm lý HS.
Cô Nguyễn Thị Hường, GV tư vấn tâm lý trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho biết hiện tại trường có gần 3000 HS với 60 lớp học, vì vậy việc tiếp cận đến từng HS với nhân lực chỉ có một giáo viên tâm lý là rất khó.
Mỗi trường nên có một GV chuyên trách về công tác tham vấn tâm lý học đường. Không nhất thiết thành lập tổ tư vấn học đường mà chỉ cần thành lập các lực lượng hỗ trợ cho công tác tâm lý học đường. Cô Nguyễn Thị Hương
Cô Nguyễn Thị Hường chia sẻ khó khăn và kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Nhiều HS còn e ngại về phòng tâm lý, có tâm lý phòng vệ bản thân trước GV tâm lý. Chỉ tiếp cận và hỗ trợ HS vào giờ ra chơi nên GV tâm lý không có đủ thời gian thiết lập mối quan hệ và các nguyên tắc trong tham vấn, rất khó tạo được sự tin tưởng ở HS” - cô Hường bày tỏ.
Cũng theo cô, việc thành lập tổ tham vấn tâm lý với những GV có bề dày kinh nghiệm, vốn sống và am hiểu pháp luật làm công tác kiêm nhiệm nhưng không có chuyên môn sâu về tâm lý, không hiểu những quy tắc làm việc trong công tác tham vấn tâm lý sẽ dễ dẫn đến HS mất niềm tin vào công tác tham vấn tâm lý trong trường học.
Trước thực trạng trên, cô Hương kiến nghị mỗi trường nên có một GV chuyên trách về công tác tham vấn tâm lý học đường. Không nhất thiết thành lập tổ tư vấn học đường mà chỉ cần thành lập các lực lượng hỗ trợ cho công tác tâm lý học đường.
Chưacó chế độ, chính sách phù hợp choGV tư vấn tâm lý
Cô Phạm Thị Kim Dung, GV tư vấn tâm lý trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ, tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng đối với HS từ bậc mầm non đến ĐH. Nhưng với riêng bậc THPT, HS có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, áp lực về thời gian học, băn khoăn về định hướng nghề nghiệp, bị chi phối bởi tình cảm khác giới, hay sử dụng MXH quá nhiều dẫn đến sao nhãng học tập.
Cô Phạm Thị Kim Dung bày tỏ tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng đối với HS từ bậc mầm non đến ĐH. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Một giáo viên tư vấn tâm lý không thể một mình kham nổi 1.000 - 2.000 HS trong một trường học. Cần kết hợp với GV chủ nhiệm, GV bộ môn và các cộng tác viên là chính HS trong trường học để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của HS, đưa ra các giải pháp tư vấn linh hoạt” - cô Dung bày tỏ.
Mặt khác, nhiều HS khi đến phòng tư vấn vẫn mang tâm lý ngại ngùng. Đội ngũ GV trong trường cũng chưa hiểu hết về vai trò và chức năng của phòng tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, vì chưa có chế độ, chính sách phù hợp nên nhiều trường hợp giáo viên bỏ việc, đi làm giám thị dù nhu cầu đang rất thiếu.
Ba việc quan trọng để giải quyết vấn đề tâm sinh lý trẻ em
Tại buổi hội thảo, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trách nhiệm của hai ngành Y tế và Giáo dục là phải nói lên tiếng nói về vấn đề tâm lý trẻ em trong điều kiện hiện nay.
Theo ông, để giải quyết các vấn đề tâm sinh lý trẻ em, có ba việc quan trọng cần làm. Đầu tiên là phải phòng ngừa, làm sao cần có sự quan tâm của gia đình và nhà trường. Cần cung cấp kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề cho GV và phụ huynh. Ngành Giáo dục và Y tế làm đầu mối thành lập đội ngũ chuyên gia tư vấn để PH-HS có thể liên hệ bất cứ lúc nào khi cần.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ các giải pháp tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Một vấn đề cực kỳ quan trọng là phát hiện sớm các trường hợp để kịp thời hỗ trợ. Ở đây, vai trò quan trọng nhất là gia đình, sau là nhà trường. "Là những người theo dõi, chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt những dấu hiệu bất thường của các HS để can thiệp kịp thời.
Chúng ta rất xót xa khi nghe tin các cháu vì áp lực quá lớn mà phải tự vẫn. Đây cũng là trách nhiệm của ngành giáo dục, chúng ta phải làm sao để tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời can thiệp. Nhà trường phải nắm danh sách các HS có dấu hiệu tâm lý đặc biệt để PH cùng GV liên tục, thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ” - BS Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.
Cũng theo BS, ngành Y tế sẽ phối hợp ngành GD và các cơ sở đào tạo để tập huấn, bổ sung thêm một số vấn đề cần thiết cho đội ngũ GV tâm lý. Bên cạnh đó, ngành Y tế dự định sau khi thống nhất sẽ nhờ các chuyên gia biên soạn tài liệu về vấn đề tâm lý y học dành cho GV tâm lý và HS. Ngành Y tế sẽ công bố danh sách các cơ sở y tế có phòng khám tâm lý, tâm thần để GV và PH đưa HS đến khám khi cần.