Gấp rút cung cấp rau, cá, tôm… để ổn định giá

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM ngày 8-7 cho thấy giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Đáng chú ý, nhiều người dân lo ngại lượng hàng hóa, thực phẩm sẽ không đủ cung cấp nên tiếp tục đổ xô đến các siêu thị mua dự trữ, dù các cơ quan chức năng khẳng định hàng không thiếu.

Người dân vẫn kéo nhau đi mua hàng, giá tăng mạnh

Tại các siêu thị trên địa bàn quận Gò Vấp và quận 12, người dân vẫn đổ xô đi mua thực phẩm. Đơn cử, lúc 11 giờ tại Siêu thị Bách Hóa Xanh (đường số 3, phường 9, quận Gò Vấp), các kệ rau xanh đã được rửa sạch và cất ngay ngắn, thay vào đó là thực phẩm khô như mì gói, phở ăn liền.

Các quầy hàng thực phẩm tươi sống thịt, cá, rau củ… cũng nhanh chóng hết hàng. Theo nhân viên siêu thị này, khách không quá đông đúc như ngày 7-7 nhưng số lượng đơn hàng của mỗi người lại tăng mạnh khiến thực phẩm hết hàng sớm. Chúng tôi hỏi: “Khi nào rau củ, thịt, cá… được bổ sung để phục vụ người tiêu dùng?” thì nhân viên siêu thị lắc đầu: “Không biết”.

Chị Hoàng Anh (nhà ở quận Tân Bình) vừa bước ra khỏi cửa hàng tiện lợi VinMart+ Phạm Phú Thứ than thở mới 9 giờ sáng mà không còn một cọng rau, miếng thịt nào. Cả ba cửa hàng tiện lợi chị tìm đến đều hết hàng. “Không chỉ thực phẩm tươi sống mà các mặt hàng như mì gói yêu thích, đồ hộp… cũng không còn nhiều” - chị Hoàng Anh nói.

Không chỉ vậy, giá cả nhiều mặt hàng cũng gia tăng mạnh. Tại các địa điểm bán ở nhà khu vực chợ tạm Thạch Đà và các hội nhóm bán hàng trên Facebook, người bán cho biết hàng hóa đang khan hiếm do mối sỉ không nhập hàng, người mua thì than trời vì vật giá quá cao.

Tại một cửa hàng rau trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), người bán thông báo giá thực phẩm tăng cao 15.000-20.000 đồng/kg tùy mặt hàng. Ví dụ, ngày 7-7, giá bí xanh 30.000 đồng/kg thì nay tăng gấp hai lần, lên mức 60.000 đồng/kg. Nấm rơm tăng ba lần, lên mức 160.000 đồng/kg nhưng không có hàng để bán. Tương tự, giá 1 kg cá điêu hồng hôm trước được bán với giá 60.000-65.000/kg thì nay vọt lên 120.000 đồng/kg.

Chị Bính (ở phường 9, quận Gò Vấp) than thở: “Trước đây cầm 100.000 ra chợ còn mua được 1 kg cà chua, một con cá, một bó rau, một ít thịt nạc xay nhưng giờ còn chưa đủ mua 1 kg cá điêu hồng. Giá cả leo thang, tăng gấp 3-4 lần, trong khi mùa dịch công việc không có, lương cắt giảm khiến bà con ai cũng méo mặt”.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Chợ đóng cửa nhiều, hàng về ít

Chị Đào Thị Nam (một tiểu thương chuyên nhập hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức) cho biết đúng là nguồn hàng đang thiếu hụt do các chợ đầu mối đóng cửa và tâm lý lo sợ nguồn hàng từ các tỉnh về TP.HCM bị hạn chế. Hơn nữa, các nhà xe, tài xế nghe tin chợ đầu mối đóng cửa và hàng loạt giấy tờ chứng nhận kèm theo nếu muốn vào TP.HCM nên đã giảm lượng hàng hoặc ngưng nhập về TP.HCM.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Công Thương TP.HCM thông tin: Qua khảo sát thực tế tại ba chợ đầu mối cho thấy tổng lượng hàng về chợ sáng 8-7 đạt 2.100 tấn/ngày đêm, giảm hơn 34% so với ngày 7-7. Thực tế dù các chợ đầu mối đã ngừng hoạt động để chống dịch nhưng các thương lái lớn đã chuyển hình thức kinh doanh, giao hàng trực tiếp.

“Hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, người dân mua nhiều, chợ thiếu hàng cục bộ” - Sở Công Thương đánh giá.

Cơ quan này dẫn chứng, giá thịt heo pha lóc tăng 10%-20% so với ngày 7-7. Như thịt heo đùi 160.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng; thịt ba rọi 210.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng… Hầu hết mặt hàng rau củ quả đều tăng 2%-5% so với ngày 7-7. Riêng mặt hàng gạo, trứng gia cầm có nguồn cung dồi dào, giá ổn định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá TP.HCM cũng đã tương đối chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn TP. Như vậy, khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.

Do vậy, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động, cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.

Quy định cách ly bảy ngày gây khó cho vận chuyển hàng

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho hay: Văn bản 5389/BYT-MT ngày 7-7 quy định tất cả người về từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng bảy ngày kể từ ngày về địa phương. Nội dung này gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận, như Saigon Co.op có kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương. Đồng thời gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh…

Bên cạnh đó, các đơn vị như Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte… cho biết khó khăn lớn nhất đó là việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào TP gây tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm.

Thêm vào đó, tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K; công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, hiệp đồng thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.

“Vì vậy, các đơn vị kiến nghị cần hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành. Tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Đồng thời cần thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh, thời gian hiệu lực ba ngày và có hiệu lực lưu hành ba ngày” - Sở Công Thương nêu rõ.

Sớm mở cửa chợ trở lại, tạo luồng ưu tiên đặc biệt chở hàng

Chiều 8-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký công văn hỏa tốc gửi UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch COVID-19.

Trong công văn này, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình bình ổn thị trường cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.

Phối hợp với các đơn vị vận tải chuyên nghiệp, đặc thù (như Viettel Post, VN Post…) triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu cung ứng cho địa bàn của TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương yêu cầu rà soát và khẩn trương triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ; hướng dẫn các chợ, các cơ sở bán lẻ tổ chức hoạt động theo khuyến cáo của ngành y tế để vừa kiểm soát, an toàn dịch bệnh, vừa bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Cùng ngày, đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định: TP không lo thiếu thực phẩm. Nguồn cung hàng hóa cho TP sẽ luôn được đảm bảo. Các siêu thị đang tiếp tục phối hợp và hỗ trợ nhà cung cấp để vận chuyển hàng hóa được thông suốt, đảm bảo phục vụ khách hàng kịp thời.

Gấp rút cung cấp rau, cá, tôm… để ổn định giá ảnh 2
1 kg cua đồng có giá 150.000 đồng. Ảnh: THU HÀ

Vẫn sản xuất, cung ứng hàng hóa bình thường

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cam kết: Hàng hóa lương thực, thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng sẽ không thiếu. Vì vậy, người dân không cần phải tích trữ gây sự xáo trộn trong xã hội. Việc người dân càng đổ xô đi mua hàng thì càng tạo ra tâm lý thiếu hàng hóa không cần thiết.

Từ ngành gia súc, gia cầm, thủy hải sản đến lương thực, nguồn hàng hóa rất phong phú. “Chúng ta hiện còn làm ra để xuất khẩu nhiều nên người dân đừng quá lo lắng. Các doanh nghiệp lương thực và thực phẩm trên địa bàn vẫn tổ chức sản xuất và cung ứng hàng hóa bình thường” - ông Dũng khẳng định.

NGUYỄN CHÂU 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm