Gây thiệt hại cho người khác: Phải bồi thường!

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không thể đánh đồng nghĩa vụ với hành vi nhân đạo

Từ điển tiếng Việt phân biệt sự khác nhau giữa “hỗ trợ” với “bồi thường”: hỗ trợ là giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào; bồi thường là đền bù bằng tiền những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà mình phải chịu trách nhiệm.

Điều 604 Bộ luật Dân sự đã xác định rõ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”.

Đối chiếu quy định này với trường hợp cụ thể của Vedan và của một số đơn vị khác, dường như có nhiều người còn nhầm lẫn giữa trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại phát sinh với việc hỗ trợ mang tính nhân đạo có cũng được mà không có cũng được. Như theo lời một đại diện pháp lý của Công ty Vedan, sở dĩ Vedan chỉ hỗ trợ vì bồi thường phải dựa trên phán quyết của cơ quan thẩm quyền; còn hỗ trợ là trách nhiệm của công ty đối với cộng đồng, với người dân bị thiệt hại do sai phạm của công ty. Nên lưu ý rằng việc bồi thường hoàn toàn có thể được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Nếu tự nhận mình có sai phạm, gây thiệt hại cho nhiều người khác thì Vedan phải có nghĩa vụ bồi thường đầy đủ và kịp thời theo điều luật trên chứ việc gì phải quanh co, tránh né.

ý kiến cho rằng không chỉ có mỗi Vedan mà còn nhiều doanh nghiệp khác cùng góp phần “giết” sông Thị Vải, vậy nên Vedan khó thể đưa ra mức bồi thường phù hợp. Thực ra, Vedan có thể căn cứ vào Điều 616 Bộ luật dân sự để bồi thường theo mức độ lỗi của mình hoặc bồi thường theo phần bằng nhau trong trường hợp không xác định được mức độ lỗi. Do đó, tùy khả năng tài chính mà Vedan có thể thanh toán tiền cho các hộ nhiều lần hoặc một lần nhưng nhất định phải là bồi thường chứ không thể là hỗ trợ.

Lan Bình (Phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM):

Mạnh dạn chịu trách nhiệm để giữ chân khách hàng

Trước giờ, có nhiều vụ việc mà theo lẽ phải bồi thường thì các cơ quan, đơn vị chỉ đơn thuần hỗ trợ. Như khi bệnh viện tắc trách làm chết bệnh nhân hay công ty cây xanh không tỉa, mé nhánh khiến cành cây gãy đổ làm người đi đường bị thương..., các nạn nhân thường chỉ được hỗ trợ.

Trở lại vụ Vedan chỉ hỗ trợ người bị thiệt hại, phải chăng các ông chủ vẫn chưa xem trọng văn hóa ứng xử của doanh nghiệp? Một doanh nghiệp muốn tạo dựng được thương hiệu, uy tín của mình với người tiêu dùng thì không thể chỉ thông qua sản phẩm có chất lượng. Còn một điều quan trọng không kém là cách ứng xử của doanh nghiệp đó đối với cộng đồng trong từng trường hợp cụ thể. Biết nhận lỗi và dũng cảm chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại cho cộng đồng cũng chính là cách giữ chân người tiêu dùng “đứng lại” với sản phẩm của mình.

Tiến sĩ xã hội học Trần Trọng Đức (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM):

Có lỗi thì phải dũng cảm nhận lỗi

Theo tôi, việc hỗ trợ cũng là hành vi thể hiện một phần trách nhiệm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ thì chưa đủ, đơn giản là khi anh có lỗi gây ra thiệt hại cho người khác thì anh phải bồi thường. Nếu các thiệt hại về vật chất và sức khỏe, sinh mạng con người bắt nguồn từ những lỗi tắc trách - vô trách nhiệm của các cơ quan liên quan mà chỉ được giải quyết bằng cách hỗ trợ thì người dân sẽ luôn có cảm giác cuộc sống đầy bấp bênh và không được đảm bảo an toàn. Khi chẳng may bị rủi ro, thay vì được bồi thường đúng và đủ, nạn nhân lại phải trông mong vào sự hỗ trợ, tức là phải chờ đến sự thương hại, ban phát từ chính những con người đã gây thiệt hại cho mình.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét, quy trách nhiệm bồi thường cụ thể để bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các nạn nhân.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Lê Văn Lâm

Địa chỉ: Châu Thành, Tiền Giang

Điện thoại: 0974881...

Email: lelam_tg@...

Nội dung:

Việc ô nhiễm trên sông Thị Vải gây thiệt hại cho nông dân thì đã rõ. Công ty Vedan xả thải cũng đã bị phát hiện và xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật. Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật hiện hành để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc xả thải gây thiệt hại cho nông dân không phải là việc dễ dàng, thậm chí là bế tắc trong việc bắt buộc Vedan phải bồi thường. Mặc dù dư luận có thể bất bình với cách làm theo kiểu ban phát cho nông dân của Vedan. Tuy nhiên theo các quy định của pháp luật chúng ta hãy chấp nhận thực tế đó. Vì nói thẳng ra, nếu Vedan không hỗ trợ, chúng ta cũng chẳng làm gì được họ ngoài sự kêu gọi họ vì cộng đồng. Theo tôi, chúng ta phải chấp nhận việc hỗ trợ của Vedan vì chứng minh họ gây thiệt hại để bắt họ bồi thường là không khả thi. Việc cần làm là chúng ta phải sửa đổi luật môi trường để có cơ sở xử lý dễ dàng hơn trong tương lai. Tránh những trường hợp đáng tiếc như vụ Vedan xảy ra lần nữa.

MINH HIẾU ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm