Ghìm cương lãi suất cho vay để tiếp sức cho nhà kinh doanh

(PLO)-  Một số ngân hàng thương mại tuyên bố bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế cho khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần gần đây liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động (tiền gửi tiết kiệm), trong đó có ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng 2-3 lần. Động thái này khiến các doanh nghiệp (DN) phập phồng lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng, kéo theo chi phí vốn tăng theo.

Ngân hàng tăng lãi suất huy động, doanh nghiệp lo lắng

Đầu tháng 5 vừa qua, Ngân hàng SHB tăng thêm tới 1,1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho cả khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại quầy và gửi tiết kiệm online. Đặc biệt, bên cạnh mức cộng thưởng hấp dẫn như trên, khi gửi tiền tại quầy giao dịch, khách hàng mới còn được cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho các khoản tiền gửi. Sau khi cộng thêm, hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB lên tới 7,4%/năm dành cho kỳ hạn tám năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn sáu năm.

Trong khi Ngân hàng SHB chỉ tăng mạnh lãi suất ở kỳ hạn dài thì SCB lại tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn với biên độ tăng 0,1%-0,3%. Ví dụ, các kỳ hạn 1-3 năm tại ngân hàng này đều tăng 0,3% so với trước và có cùng mức lãi suất là 7,3%/năm.

Các ngân hàng đang cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi vay. Ảnh: TL

Các ngân hàng đang cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi vay. Ảnh: TL

Không đứng ngoài cuộc, nhiều ngân hàng khác cũng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chẳng hạn Ngân hàng Eximbank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng từ mức 3,6%/năm lên 4%/năm, tương đương tăng 0,4% so với trước. Ngân hàng ACB cũng tăng lãi suất huy động tiền gửi qua kênh online 0,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Ngân hàng Vietcombank, cho rằng lãi suất huy động và cho vay trong năm nay chịu áp lực của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước lẫn ngoài nước. Trong đó có thể kể đến một số yếu tố như chiến sự Nga - Ukraine, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. “Chính vì vậy lãi suất huy động trong nước cũng có xu hướng tăng trong thời gian qua” - ông Tùng giải thích.

Việc nhiều ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động khiến các nhà sản suất, kinh doanh lo lắng lãi suất cho vay tăng theo, đẩy người vay tiền vào thế khó. Lãnh đạo một công ty nằm trong danh sách bình ổn mặt hàng trứng tại TP.HCM cho biết: Mới đây một ngân hàng lớn thông báo khoản vay của công ty đến ngày đáo hạn sẽ không được vay tiếp. Lý do ngân hàng này đã vượt trần room tín dụng.

“Việc ngân hàng thông báo quá gấp như vậy khiến chúng tôi trở tay không kịp, không có vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể lương cho công nhân, chi phí vận chuyển… cũng leo thang. Giá trứng gà bán ngoài thị trường hiện đã lên tới 35.000-40.000 đồng/chục, trong khi giá bình ổn chỉ được phép bán 29.500 đồng/chục. Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi mong ngân hàng tiếp tục cho vay và đừng tăng lãi suất cho vay vào thời điểm này” - vị lãnh đạo công ty bày tỏ.

Giữ nguyên lãi suất cho vay

NHNN Chi nhánh TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các DN tham gia bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chi phí đầu vào đang chịu áp lực tăng do giá xăng dầu tăng mạnh, việc giữ ổn định lãi suất cho vay đối với khách hàng sẽ hỗ trợ DN giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm”.

Tung nhiều giải pháp để ổn định lãi suất

Ông Nguyễn Thanh Tùng đánh giá rằng dù có nhiều yếu tố đang gây áp lực nhưng trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.

“Để ổn định lãi suất cho vay, chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với quy mô lớn với mức lãi suất cho vay thấp, áp dụng với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí. Với các biện pháp đã và đang triển khai, chúng tôi kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định trong năm 2022” - ông Tùng nhấn mạnh.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Đơn cử NHNN vừa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Với chương trình này, khách hàng vay vốn sẽ được giảm lãi suất trực tiếp từ kỳ trả lãi ngày 20-5-2022 đến cuối năm 2023 hoặc đến khi gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng hết hạn mức. Một số ngân hàng tuyên bố bắt đầu giảm lãi suất theo chương trình trên.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Mục tiêu là giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. “Nếu không có gói hỗ trợ thì DN vay phải trả lãi suất 6%-7%/năm nhưng nay họ sẽ được bớt 2%/năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà sản xuất, kinh doanh mạnh dạn hơn khi vay vốn” - ông Tú dẫn chứng.

Kiến nghị mở thêm hạn mức cho vay

Một số ngân hàng thương mại thừa nhận hiện nay đã gần cạn room tín dụng, vì vậy đề nghị được tăng dư nợ tín dụng và mở thêm hạn mức cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng cao của DN.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết cơ quan này đã tính tới trường hợp tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng khi triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho DN. Song việc tăng dư nợ tín dụng cần phải đảm bảo chỉ tiêu lạm phát, ổn định vĩ mô.

Phó thống đốc thông tin thêm tính đến ngày 27-5, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt khoảng 7,75% so với đầu năm, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm