Sau khi lên đỉnh cao thì từ hơn một tuần nay, giá cau tươi tại nhiều tỉnh thành như Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Thanh Hóa… liên tục lao dốc. Nếu như hồi tháng 9 và tháng 10, giá cau tươi có thời điểm vượt mốc 100.000 đồng/kg, thì nay loanh quanh ở mức 50.000 đồng/kg.
Không chỉ cau lao dốc mà trước đó, rất nhiều loại nông sản Việt Nam như dưa hấu, thanh long, chuối hay heo, cua… cũng từng lâm vào cảnh "méo mặt" khi thương lái Trung Quốc đột ngột “quay xe”, giá bán rớt thảm, thậm chí phải đổ bỏ, nông dân thua lỗ.
Cau xuống giá do Trung Quốc ngừng thu mua
Chị Phan Thủy, tiểu thương mua cau tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện nay giá thu mua cau nguyên cành ở khu vực này về lại mức giá 50.000 – 52.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm hơn 30.000 đồng so với hồi đầu tháng 10. Nguyên nhân của sụt giảm là do thương lái Trung Quốc bất ngờ giảm thu mua.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhìn nhận, giá cau tươi đang giảm mạnh sau một thời gian tăng nóng.
Cụ thể, thời điểm tháng 9 và tháng 10, giá cau tươi tăng mạnh là do một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc tăng mua, khi nguồn cung nội địa ở đảo Hải Nam nước này sụt giảm vì ảnh hưởng bởi bão số 3.
Cùng với đó các nguồn cung khác từ Thái Lan, Philippines cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến mặt hàng kẹo cau để chuẩn bị mùa Tết cuối năm, và mùa đông sắp tới.
"Chính vì thế, họ tăng thu mua ở Việt Nam và giá cau cũng vì thế mà đẩy lên cao. Khi nguồn cung đã đủ, họ hạn chế mua thì giá xuống”- ông Mười nói.
Thực tế, Trung Quốc ồ ạt mua cau của Việt Nam chủ yếu do sản lượng cau sản xuất ở quốc gia này bị sụt giảm mạnh do hàng loạt vườn cau ở đảo Hải Nam, vùng trồng chính ở quốc gia này bị bệnh vàng lá. Ngoài ra, bão Yagi làm nhiều vườn cau bị thiệt hại nặng, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%. Điều này khiến giá thu mua cau trên thị trường tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, giá cau lao dốc thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nhiều công ty chế biến cau ở Trung Quốc gặp áp lực tài chính trước bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao liên tục.
Câu chuyện giá cau đi lại “vết xe đổ” của nhiều nông sản Việt Nam khác đã từng gặp phải. Chuyên xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc, ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood chỉ ra, thanh long có thời điểm thương lái Trung Quốc thường áp dụng chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian. Số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của các vựa, điều này dẫn đến tâm lý muốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để đáp ứng nhu cầu bạn hàng.
Nhưng khi các chủ vựa nông sản Việt Nam gom hàng số lượng lớn, mở rộng kho bãi để chuẩn bị đáp ứng đơn hàng thì cũng là lúc thương lái Trung Quốc dừng mua, hạ giá với hàng loạt lý do như hàng kém chất lượng, nhu cầu giảm… Điều này dẫn đến hệ luỵ dây chuyền, giá thanh long trong nước rớt thảm, nông dân đổ bỏ, nhiều vựa nông sản đóng cửa.
“Nhiều vùng trồng nông sản của nước ta còn mang tính tự phát, không có liên kết, do đó dễ bị thương lái thao túng giá cả. Thậm chí nhiều trường hợp thương lái trong nước bị sập bẫy vì hám lợi, ôm hàng chờ giá cao nhưng bị thương lái nước ngoài xù cam kết”- ông Chất chia sẻ.
Hạn chế buôn bán tiểu ngạch để giảm rủi ro
Phân tích thêm về câu chuyện giá cau lao dốc khi thương lái Trung Quốc ngưng mua, ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood, cho rằng nhiều loại nông sản Việt vẫn quen làm ăn theo kiểu buôn bán tiểu ngạch với thương lái Trung Quốc nên dễ rơi vào tình cảnh trên.
Ông nhấn mạnh: "Thực tế thời gian qua xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Vì vậy nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khi Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua".
Tuy vậy, theo ông Chất, nhiều loại nông sản Việt đã bắt đầu rút được bài học kinh nghiệm như vải thiều, thanh long, sầu riêng…Ví dụ với vải thiều, nhờ sự liên kết tốt giữa địa phương, doanh nghiệp, nông dân vùng trồng tập trung nên xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc. Hay sầu riêng cũng đang đi theo con đường chính ngạch, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hợp đồng liên kết đã hạn chế tình trạng được mùa mất giá.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đa dạng hoá sản phẩm, đẩy mạnh những sản phẩm chế biến sâu để tăng đầu ra cho nông sản, tránh phụ thuộc vào một thị trường, xuất khẩu nông sản thô”- ông Chất chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) thì cho rằng, cau không phải là cây trồng chủ lực của Việt Nam, thị trường tiêu thụ trong nước cũng hạn chế chỉ dùng cho dịp cưới hỏi, lễ tết, hoặc số rất ít là cho nhu cầu ăn trầu.
Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu cũng không nhiều, chủ yếu phục vụ ở phân khúc hẹp, vì thế tiềm năng thị trường không cao. Vì thế loại cau này chỉ nên được trồng xen canh, nếu đổ xô trồng chuyên canh ồ ạt rất dễ rủi ro.
“Loại cau này chỉ nên trồng xen canh với nông sản khác, hoặc trồng bờ rào vừa tạo cảnh quan, vừa tăng thu nhập thì nên khuyến khích”- ông Mười nói.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, lợi thế với nông sản Việt Nam, nông sản Việt vẫn chưa biết cách khai thác hết tiềm năng. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc, phía cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu.
"Nông sản Việt Nam cần xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng có chuỗi liên kết, có định hướng thị trường rõ ràng, theo tiêu chuẩn xuất khẩu, thậm chí đầu tư bao bì, thương hiệu...", ông Nhân nhấn mạnh.
Việt Nam chi 225 tỉ đồng nhập khẩu cau
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 8-2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,3 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng của năm 2024 xuất khẩu cau đạt 21,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 51%.
Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu cau. Trong tháng 8-2024, nhập khẩu cau đạt gần 3,3 triệu USD, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2024 các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra gần 9 triệu USD để nhập khẩu cau (tương đương 225 tỉ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu cau tăng vọt 324%.
Lý giải việc cau trong nước vừa xuất, vừa nhập ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký VINAFRUIT cho rằng rất có thể, khi giá cao tăng, nhu cầu cao, thương lái tạm nhập để tái xuất.