Ngày 26-2, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 19-2 đã có 978 tuyến cố định; 67 tuyến xe buýt và 363 hãng taxi đã giảm giá cước, tỉ lệ giảm giá 1%-33,3%.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có ý kiến cho rằng giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn chây ì hoặc có giảm cũng chỉ nhỏ giọt, các doanh nghiệp vận tải lấy đủ các loại lý do cho việc chậm giảm giá cước của mình. Từ đó khiến dư luận bức xúc cho rằng với cách quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lý giải, theo quy định tại Luật Giá và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì giá cước vận tải bằng xe ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường; Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo đó, việc định giá cước khác nhau giữa các đơn vị vận tải ô tô tùy thuộc đặc điểm kinh doanh từng đơn vị, từng thời điểm, từng quy mô hoạt động, khả năng quản trị mà đơn vị tính toán giá cước để vừa cạnh tranh, thu hút kích cầu tiêu dùng, vừa phát triển thị trường. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ GTVT và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt yêu cầu đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Để khắc phục hạn chế việc các đơn vị kinh doanh vận tải chưa chủ động tính toán, rà soát kê khai giảm cước khi yếu tố đầu vào giảm, hiện nay, liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải đang tổng hợp ý kiến các địa phương và cơ quan liên quan đối với dự thảo TTLT sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư liên tịch số 152/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. Ngoài ra liên Bộ cũng sẽ kiến nghị đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá.