Xăng giảm sâu, cước taxi chưa nhúc nhích!

Ngày 18-2, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu giảm giá xăng và giữ nguyên giá các mặt hàng dầu. Lần giảm này đã đưa giá xăng về mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009, còn khoảng 13.800 đồng/lít xăng RON 92. Dù vậy giá cước taxi hiện vẫn bằng thời điểm giá xăng khoảng 16.000 đồng/lít.

Giảm giá cước nhỏ giọt

Thời điểm 4-1, khi giá xăng còn khoảng 16.000 đồng/lít, Sở Tài chính TP.HCM đã yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá cước. Hầu hết DN taxi, DN vận tải tuyến cố định đều kê khai giảm giá đúng tiến độ với mức giảm 300-500 đồng/km. “Giá xăng dầu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá cước của DN, tùy vào loại xe sử dụng. Thời điểm giữa tháng 1-2016, giá cước taxi của các hãng đã tương ứng với giá xăng dầu” - Sở Tài chính đánh giá.

Đến ngày 19-1 và ngày 3-2, giá xăng tiếp tục giảm hai lần, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu DN kê khai lại giá cước cho phù hợp. Do đợt nghỉ tết kéo dài nên hạn chót kê khai lại của DN được kéo dài đến ngày 19-2. Tuy nhiên, vì chiều 18-2 giá xăng tiếp tục giảm sâu nên Sở đã yêu cầu DN kê khai lại giá tương ứng với hạn chót là ngày 23-2. Dự kiến mức giảm mà các DN kê khai trong đợt này sẽ là 500-600 đồng/km.

Độc quyền nên giá cao

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá cước vận tải thường giảm không tương ứng với mức độ giảm của giá xăng dầu vì các DN đều tính theo lợi nhuận “cơ hội”. Mỗi khi giá xăng giảm, các DN cố tình trì hoãn giảm cước để tăng lợi nhuận. “Điều này cho thấy ít nhiều có sự liên kết độc quyền giữa các DN. Rõ ràng cơ chế quản lý hiện có vấn đề; luật còn lỏng lẻo, cụ thể như quy định các DN kê khai giá, đăng ký giá và thực hiện theo đúng giá đã kê khai. Do đó cần có quy định trong bao lâu DN phải điều chỉnh lại giá, đăng ký giá mới và giá này phải hợp lý. Cùng đó, cần có sự kiểm soát chống lại việc liên kết độc quyền, công bố giá cước taxi thường xuyên để người tiêu dùng có sự chọn lựa” - ông Phong nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá cước vận tải thường giảm không tương ứng với mức độ giảm của giá xăng dầu. Ảnh: HTD

Các chuyên gia chuyên ngành còn chỉ ra rằng các hãng taxi có những chiêu né giảm giá cước như viện dẫn việc thay đồng hồ tốn nhiều chi phí; chỉ giảm giá cước khi hành trình từ 30 km trở lên… Nhưng tựu trung các ý kiến cùng cho rằng yếu tố độc quyền ảnh hưởng lớn tới giá cước taxi. “Hà Nội có rất nhiều hãng taxi cạnh tranh nhau nên giá cước taxi trong tháng 1 từ 11.000 đồng/km đến 15.000 đồng/km. Còn tại TP.HCM, Mai Linh và Vinasun là hai hãng chiếm thị phần lớn nhất. Giá cước taxi Mai Linh và Vinasun sau lần điều chỉnh vào tháng 1 hiện vẫn là 15.000 đồng/km (taxi bốn chỗ) và 17.000 đồng/km (taxi bảy chỗ)” - một chuyên gia phân tích.

Đã tới lúc kiểm soát chặt

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện công tác quản lý nhà nước về giá đã được quy định cụ thể tại Luật Giá. Nguyên tắc quản lý giá cước vận tải là theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, các bến xe, các DN vận tải phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận kê khai giá và công khai, niêm yết các mức giá để người tiêu dùng được lựa chọn.

Về phần mình, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để kiểm tra, yêu cầu các DN vận tải kê khai giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu. Hiện liên bộ đang xin ý kiến để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 152/2014. Trong đó đưa ra quy định buộc các DN vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu.

“Cụ thể, khi nhiên liệu đầu vào giảm từ 20% trở lên so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước thì tối đa trong vòng năm ngày sau đó DN vận tải phải thực hiện kê khai hoặc thông báo giảm giá cước với mức giảm phù hợp” - ông Tuấn nói.

Xăng giảm nhỏ giọt thì không thể bắt DN giảm cước ngay

Giá cước vận tải không đơn thuần dựa vào giá nhiên liệu mà kèm theo đó là các khoản khác. Cụ thể như phí đường bộ qua các trạm BOT trên quốc lộ (hiện đang ngang ngửa với chi phí nhiên liệu); chi phí tiền lương, BHXH và các chi phí khác đều có xu hướng tăng cao, gây nhiều sức ép cho các DN. Nhưng đúng là hiện nay giá cước taxi cần điều chỉnh cho phù hợp vì taxi ít chịu phí đường bộ. Các xe tuyến cố định cũng phải giảm giá cước, dù giá dầu diesel chưa có biến động lớn bằng giá xăng. Riêng với giá cước xe vận tải hàng hóa, xe hợp đồng du lịch thì phải tuân theo quy luật thuận mua vừa bán.

Nhà nước không thể ép DN điều chỉnh giá cước vận tải khi giá xăng tăng, giảm thất thường. Bởi muốn giảm giá cước thì DN taxi cần có thời gian điều chỉnh lại đồng hồ, xe tuyến cố định phải in lại vé nên rất phức tạp, tốn kém. Vì vậy khi góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư 152/2014 của liên bộ Tài chính - GTVT, tôi đã kiến nghị nếu giá xăng giảm 10%-20% thì các DN buộc phải giảm giá cước vận tải. Nếu các DN không giảm thì phải xử lý, đơn giản nhất là đình chỉ hoạt động. Còn xăng giảm nhỏ giọt thì không thể bắt DN giảm ngay được.

Ông NGUYỄN VĂN THANH,
Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải ô tô Việt Nam

VIẾT LONG ghi

Giá xăng RON 92 chỉ còn 13.750 đồng/lít

Từ 15 giờ ngày 18-2, giá xăng RON 92 giảm 961 đồng/lít về mức 13.752 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 942 đồng/lít còn 13.321 đồng/lít. Đây là lần giảm giá xăng thứ tư liên tiếp tính từ đầu năm 2016, tổng mức giảm là 2.650 đồng/lít. Lần giảm giá này đã đưa giá xăng về mức thấp nhất kể từ tháng 7-2009.

Giá cước taxi hiện rẻ hơn năm 2015

So với giá cước tháng 1-2015, giá cước taxi tháng 1-2016 thấp hơn 1,4%-7%, trong khi giá xăng chỉ thấp hơn 1,4%. Giá cước taxi vào thời điểm tháng 1-2015 đã được Bộ Tài chính đánh giá là tương xứng với chi phí xăng dầu và các chi phí khác của DN.

Việc giá cước taxi của các hãng truyền thống có giảm so với thời điểm đầu năm 2015 là do sự cạnh tranh ngày càng cao của nhiều loại hình taxi như Uber, Grab.

Ông NGUYỄN QUỐC CHIẾN, Trưởng ban Vật giá,
Sở Tài chính TP.HCM

Taxi Đà Nẵng vẫn đủng đỉnh

Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng không còn hiệp thương giá giữa các hãng taxi như trước đây nữa, mà các DN kinh doanh taxi sẽ tự tính toán để điều chỉnh giá cước. Khi xăng dầu giảm, các cơ quan quản lý nhà nước có chỉ đạo phải giảm giá thì hiệp hội có chức năng chuyển tải chỉ đạo đó cho các đơn vị. Nhưng với xu thế này thì tôi nghĩ các DN taxi phải giảm giá thôi.

Ông VÕ THÀNH NHÂN, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần
Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ

LÊ PHI ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm