Giá dầu đang đà tăng, OPEC+ vẫn nhỏ giọt nguồn cung

Sau thời gian đóng băng vì đại dịch, nhu cầu dầu cao lên lại khi các nước mở cửa khôi phục kinh tế trong khi lượng cung lại không đáp ứng kịp. Diễn biến này đẩy giá dầu tăng nhanh báo động.

OPEC+ có nới sản lượng nhưng nhỏ giọt

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC+, gồm các nước OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và các nước non-OPEC do Nga dẫn đầu) đã cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục khoảng 10 triệu thùng/ngày từ tháng 4-2020 vì đại dịch COVID-19 làm đóng băng nhu cầu dầu. Kể từ tháng 8-2021, OPEC+ đã đặt chỉ tiêu mỗi tháng tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày (một thùng tương đương gần 160 lít). Từ đó đến nay OPEC+ họp hằng tháng và vẫn giữ mức tăng này cho mỗi tháng.

Các thùng dầu tại cơ sở dầu mỏ Saudi Aramco ở Abqaiq (Saudi Arabia).
Ảnh: REUTERS 

Gần nhất, trong cuộc họp ngày 2-2, các thành viên OPEC+ tiếp tục thống nhất sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 3, theo kênh CNBC. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 2-3 tới.

Có thể thấy các nước xuất khẩu dầu đang chủ trương nới sản lượng từ từ, dù đang phải chịu áp lực từ các nước tiêu thụ dầu hàng đầu như Mỹ và Ấn Độ rằng phải bơm thêm dầu ra thị trường để kéo giá dầu xuống và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak có nói các nước không định sẽ nới sản lượng quá nhanh vì vẫn còn chưa rõ nhu cầu dầu còn thay đổi thế nào.

Chuyên gia Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets (trụ sở tại Canada), cho rằng các nước OPEC+ có khả năng vẫn sẽ giữ lộ trình tăng 400.000 thùng/ngày vài tháng nữa.

Thậm chí còn có ý kiến lo rằng có thể mức nâng nhỏ giọt này của OPEC+ sẽ bị điều chỉnh giảm. Chuyên gia Lim Jit Yang - cố vấn thị trường dầu tại Công ty S&P Global Platts Analytics - nhà cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa - lo ngại “mức tăng thực tế nhiều khả năng sẽ lại giảm xuống dưới mức 400.000 thùng/ngày, vì hầu hết các thành viên OPEC+ ngoài Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bị giới hạn về năng lực khai thác”.

Theo mức nâng này, tổng sản lượng của các nước OPEC+ có thể là 41.294 triệu thùng/ngày trong tháng 3, trong đó Saudi Arabia và Nga có thể sản xuất 10.331 triệu thùng/ngày. Chỉ riêng nhóm OPEC cung cấp 40% nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu đang tăng và sẽ còn tăng

Theo dữ liệu của Platts, OPEC+ vẫn giữ quyết định chỉ nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh thị trường dầu vật chất đã khan hơn nhiều, với lượng tồn kho giảm kỷ lục. Với bối cảnh này, nhiều chuyên gia đưa ra các dự báo chóng mặt về giá.

Reuters dẫn dự đoán của nhiều nhà phân tích rằng giá dầu - đã tăng 50% trong năm 2021 - sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay, với giá dầu thô có thể lên đến 90 USD hoặc thậm chí trên 100 USD/thùng. Về thời điểm, theo nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley tại OANDA (công ty về dữ liệu tiền tệ và giao dịch ngoại hối - Mỹ) thì mức tăng này có thể sẽ tới trong quý I, thậm chí có thể sớm hơn.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) thì dự đoán rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức 90 USD/thùng trong quý III năm nay. Morgan Stanley phân tích với viễn cảnh lượng tồn kho cạn kiệt, dự phòng thấp trong nửa cuối năm 2022, thêm đầu tư vào lĩnh vực dầu khí hạn chế, thì thị trường dầu có ít biên độ an toàn.

Theo chuyên gia Vibhuti Garg - dẫn đầu nhóm nhà kinh tế năng lượng Ấn Độ tại tổ chức phi lợi nhuận Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (Mỹ), “với nguồn cung hạn chế, giá dầu sẽ dao động quanh mức 100 USD/thùng hoặc hơn 100 USD trong vài tháng tới”.

Đáng chú ý, Morgan Stanley dự báo thêm rằng giá dầu có thể sẽ “vượt ngưỡng” lên 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng vào năm 2023.

Song theo chuyên gia Claudio Galimberti - Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty Kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (NaUy), giá dầu có thể “trong chốc lát” đạt trên 90 USD/thùng trong năm nay nhưng ông không thiên về kịch bản giá có thể lên trên mức 100 USD/thùng, vì áp lực giảm giá sẽ đến từ nhiều nước như Canada, Na Uy, Brazil và Guyana.

Thời điểm giá dầu thô Brent nhảy múa mạnh là năm 2014 - lên mức cao trên 115 USD/thùng rồi xuống mức thấp nhất là 57 USD/thùng vào cuối năm. Từ sau đó, giá dầu thô Brent chưa bao giờ lên lại mức 90 USD hay 100 USD/thùng.

Tuần trước Bộ trưởng Dầu mỏ Oman - ông Mohammed Al Rumhi cũng cho rằng OPEC sẽ không muốn thấy dầu tăng đến cả 100 USD/thùng, vì “thế giới chưa sẵn sàng cho điều đó”. Oman là nước xuất khẩu dầu lớn ở Trung Đông nhưng không thuộc OPEC.

Tuy nhiên, nhìn chung theo các nhà phân tích hàng hóa, giá dầu thời gian tới vẫn sẽ chưa giảm do cung vẫn chưa đáp ứng được cầu.

 

Giá dầu thô Brent giao sau giảm 8 cent, tương đương 0,1%, xuống 90,70 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 9-2, trong khi dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ ở mức 89,18 USD/thùng, giảm 18 cent, tương đương 0,2%.

Giá dầu bán sang châu Á tăng

Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục tăng, công ty dầu Saudi Aramco (Saudi Arabia) đã tăng giá bán chính thức đối với dầu thô xuất khẩu sang châu Á, với mặt hàng chủ lực là dầu thô Arab Light trong tháng 3 tăng 0,6 USD/thùng so với giá tháng trước, lên tổng mức cao hơn 2,8 USD/thùng so với mức chuẩn. Theo hãng tin Bloomberg, đây là mức giá cao nhất của dầu thô Arab Light kể từ tháng 3-2020, khi đại dịch xảy ra.

Theo lời nhiều nhà phân tích chia sẻ với S&P Global Platts, OPEC+ cũng đồng ý rằng với mức tăng sản lượng khiêm tốn này thì không thể giúp xoa dịu những người mua ở châu Á đang vật lộn với giá dầu cao. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu cao với nguồn cung hạn chế có thể ảnh hưởng đến thị trường các nước tiêu thụ dầu hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi mà nhu cầu dầu và kinh tế đang phục hồi.

Nhiều nhà phân tích lo rằng giá dầu cao cũng làm tăng giá xăng và dầu diesel, có thể khiến lạm phát lên đến mức cao khó chịu vào năm 2022 trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn, làm chậm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch ở nhiều nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới