Giá dầu giảm do Saudi Arabia 'kè' Mỹ

Sau hai ngày tiếp xúc không chính thức và năm tiếng thảo luận sôi nổi tại cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở Vienna (Áo) hôm 27-11 (giờ địa phương), các nước OPEC quyết định không giảm sản lượng khai thác dầu thô 30 triệu thùng/ngày đã ấn định hồi đầu năm 2011 lúc giá dầu còn 100 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Venezuela Rafael Ramirez đã đề nghị cắt giảm quota sản xuất dầu để kéo giá dầu lên.

Cuối cùng 12 nước thành viên OPEC đã xuôi theo quan điểm của Saudi Arabia, nước sản xuất gần 1/3 sản lượng của toàn OPEC.

Các nước OPEC đã quyết định sẽ tổ chức cuộc họp tới vào ngày 5-6-2015.

Trước cuộc họp OPEC, sáu nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar, Bahrain, Oman) đã thỏa thuận trước sẽ không giảm quota sản xuất dầu.

Kênh truyền hình France 2 (Pháp) giải thích hai yếu tố cung-cầu tác động làm giá dầu thô giảm.

 
Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Ibrahim Naimi của Saudi Arabia nói chuyện với báo chí ở Vienna (Áo) ngày 27-11. Ảnh: AP

Nhu cầu dầu thô đã giảm mạnh do tình hình tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và kể cả Trung Quốc suy giảm từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Trong khi đó, nguồn cung ứng dầu lại trở nên dồi dào.

Trong 30 năm qua, các nguồn cung ứng dầu đã tăng gấp đôi. Trong thập niên 1970, dầu được sản xuất chủ yếu ở Trung Đông. Sau đó, dầu được tìm thấy ở Nga và biển Bắc rồi ở châu Phi và Nam Mỹ.

Đến năm 2005, Mỹ đã có thể sản xuất dầu thô từ khí đá phiến (dầu thô trong đá trầm tích). Trữ lượng khai thác khí đá phiến của Mỹ ở Bắc Dakota và Texas đủ để Mỹ trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, trang web Forex giải thích giá dầu giảm như sau:

- Các nguồn cung ứng dầu thô gia tăng nhưng các nước OPEC không cắt giảm chỉ tiêu sản xuất.

- Đúng lúc giá dầu thô đạt đến mức thấp nhất, Saudi Arabia lại thông báo giảm giá lô dầu giao trong tháng 12 nhằm giữ thị trường ở châu Á và châu Âu.

- Saudi Arabia nhắm đến Mỹ trong cuộc cạnh tranh giá dầu vì Mỹ đang có thế mạnh về khí đá phiến và dầu mỏ.

Chuyên gia Olivier Jakob ở Văn phòng phân tích Petromatrix (Thụy Sĩ) nhận định Saudi Arabia muốn giữ giá dầu thấp nhằm làm cho các dự án phát triển dầu khí của Mỹ phải hoạt động chậm lại.

Mỹ trở thành đối thủ đáng gờm bởi nhờ nguồn đá phiến, Mỹ đã sản xuất được 9 triệu thùng/ngày, tiến gần với sản lượng của Saudi Arabia và Nga. Thị phần dầu thô của OPEC từ 42% năm 2008 chỉ còn giữ được 35% trong năm 2014 (1/3 sản lượng dầu mỏ thế giới).

Phát biểu trên kênh vệ tinh Al-Watan hôm 27-11, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali al-Omair khẳng định hiện nay có nhiều cạnh tranh nên OPEC buộc phải giữ sản lượng khai thác chứ không giảm.

Đài phát thanh Canada bình luận rõ ràng các nước sản xuất dầu vùng Vịnh sẵn sàng cam chịu giá dầu giảm thêm một thời gian nữa.

Cơ quan Năng lượng quốc tế nhận định tình hình giá dầu giảm sẽ kéo dài đến cuối nửa đầu năm 2015 do nguồn cung dầu trên thị trường quá dư thừa.

HOÀNG DUY

Ngay sau cuộc họp của OPEC, trả lời báo Áo Die Presse, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Nga) Igor Sechin tuyên bố Saudi Arabia không tìm cách làm hại Nga trên thị trường dầu thô thế giới. Hãng tin RIA Novosti (Nga) cho biết có lời đồn đại Saudi Arabia không giảm quota sản lượng dầu nhằm làm suy yếu Nga và phối hợp hành động với Mỹ. Ông Igor Sechin cho biết Nga sẽ không giảm sản lượng dầu dù giá dầu xuống 60 USD/thùng.

40% là giá dầu thô đã giảm so với giá dầu năm 2012 (126 USD/thùng). Ngay sau cuộc họp OPEC hôm 27-11, giá dầu Brent (biển Bắc) giảm còn 71,25 USD/thùng, mức thấp nhất từ tháng 7-2010.

______________________________________

Tại sao Saudi Arabia phải cắt giảm sản lượng? Mỹ cũng là nhà sản xuất lớn. Mỹ cũng phải cắt giảm chứ!

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia ALI IBRAHIM NAIMI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm