Giá dầu thế giới 2024 khả năng sẽ ít nóng

(PLO)- Nhìn chung dự báo cho thấy giá dầu trong năm 2024 sẽ giảm so với các năm 2022 và 2023.

Xung đột Israel - Hamas bùng nổ hồi tháng 10-2023 khiến giá dầu toàn thế giới tăng cao.

Tuy nhiên, điều này chỉ duy trì trong thời gian ngắn và dầu thô dần mất giá trong chưa đầy một tháng sau đó.

Theo trang Oil Price, giá dầu Brent đạt đỉnh hồi cuối tháng 9-2023 khi chạm mức 98 USD/thùng. Giá dầu bắt đầu giảm từ đó và không tăng thêm nữa bất chấp các yếu tố như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng, căng thẳng địa chính trị gay gắt ở Trung Đông, các mối lo ngại tắc nghẽn tuyến vận tải ở Biển Đỏ và eo biển Bab el-Mandeb...

Thăm dò của Reuters vào tháng 12-2023 cho thấy giá dầu thô WTI toàn cầu năm 2024 khả năng ở mức trung bình 78,84 USD/thùng, giá dầu Brent toàn cầu ​​ở mức trung bình 82,56 USD/thùng. Nhìn chung dự báo cho thấy giá dầu Brent giảm so với năm 2022 và 2023, với mức trung bình lần lượt là từ 83 USD/thùng và 101 USD/thùng.

Giá dầu-anh-chan-trang-p16-dang-9-1-2024-5700.jpg
Hoạt động rút dầu thô tại một cảng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Nguyên nhân giá dầu giảm là do các thị trường điều chỉnh theo lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến (G7) đối với nhập khẩu dầu của Nga nhanh hơn dự kiến và Moscow đã chuyển hướng vận chuyển dầu thô sang các điểm đến ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu cũng làm chậm tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024.

“Thị trường dầu toàn cầu đã điều chỉnh theo động lực thương mại mới, với việc dầu thô từ Nga tìm được các điểm đến bên ngoài EU và nhu cầu dầu thô toàn cầu không như mong đợi. Những động lực đó bù đắp cho những tác động từ việc hạn chế nguồn cung dầu thô của OPEC+” - theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Với mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu năm 2024, OPEC+ đang cố gắng kiểm soát chặt chẽ nguồn cung dầu toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm này phải đối mặt với sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và nguồn cung ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ngoài OPEC+ như Brazil, Guyana, Canada và Na Uy. Điều này khiến OPEC+ gặp khó trong việc đẩy giá dầu lên cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm