“Biểu giá điện bậc thang lũy tiến như hiện nay sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng. Cách tính giá nhiều bậc sẽ khiến cho việc tính toán phức tạp, khó kiểm soát, dễ nảy sinh sai sót và tạo ra sự nhập nhèm”. GS-TS Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương, nhấn mạnh tại hội thảo tính giá điện do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 16-10.
Theo GS Tăng, điện là hàng hóa dịch vụ nên người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu kWh sẽ trả theo một mức chứ không thể 50 kWh trước lại có giá khác với 50 kWh sau. Từ đó, ông Tăng đề xuất cơ quan quản lý nên chọn phương án điện một giá và có chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo.
Theo đại diện Hội Năng lượng Việt Nam, phương án biểu giá điện bậc thang gây ra những khó khăn trong quản lý như ghi chỉ số điện, thanh toán tiền điện, người dùng điện khó kiểm tra, đối chiếu tiền điện. Trong khi đó, phương án một mức giá đồng nhất thì rất đơn giản, rõ ràng, dễ áp dụng, dễ quản lý và kiểm tra giám sát lại thuận tiện ghi chỉ số điện và tính tiền điện.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên chọn phương án điện đồng giá để thay vì áp dụng nhiều bậc thang hiện nay. “Mục đích của biểu giá điện bậc thang là để người dân tiết kiệm điện nhưng thực tế người tiêu dùng luôn có ý thức tiết kiệm dù ở mức thu nhập nào” - bà An nói.
Ngoài ra, bà An còn đặt vấn đề ở khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện đã minh bạch chưa. Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân chịu. “Cử tri nói con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ, nhân viên thu nhập lại khá?” - bà An bày tỏ.
Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết nguyên tắc lựa chọn phương án biểu giá điện là bảo vệ lợi ích của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình (chiếm đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt); không làm tăng gánh nặng ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách…