Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo được xây dựng nhằm thay thế QĐ 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (QĐ24).
Tăng, giảm giá bán lẻ điện khi có biến động
Hiện nay, theo QĐ24, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được tăng giá điện nếu giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5%. Tuy nhiên, tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất trong trường hợp thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với mức giá hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm.
Ở các nước, tình trạng tăng giá hơn nước ta nhiều nhưng họ lấy tiền ra hỗ trợ cho người dân để trả thêm vào giá điện. Ở ta nếu các loại hàng hóa đã tăng giá, giờ giá điện lại tăng thì người dân có chịu đựng được không? Và không chịu đựng được thì Chính phủ có tiền để giúp cho dân hay không? Đây là vấn đề vĩ mô, các cơ quan nhà nước sẽ xem xét, cân nhắc, quyết định.
Ông NGÔ ĐỨC LÂM, nguyên
Phó viện trưởng Viện Năng lượng
Bên cạnh đó, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) tại doanh nghiệp (DN) để kiểm tra, giám sát.
Đối với mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5%, cơ chế điều chỉnh không có nhiều thay đổi so với trước đây. Theo đó, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBQLVNN tại DN.
Sau đó Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBQLVNN tại DN kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan quản lý, EVN quyết định tăng giá điện theo từng nhóm khách hàng từ ngày 1-10 của năm có biến động giá.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% trở lên, thẩm quyền quyết định tăng giá thuộc Thủ tướng. Quyết định sẽ được Thủ tướng đưa ra trên cơ sở báo cáo, rà soát từ các cơ quan quản lý và ý kiến của Ban chỉ đạo điều hành giá. Thời gian điều chỉnh từ ngày 1-10 của năm biến động giá.
Theo dự thảo, trước ngày 1-5 hằng năm, EVN có trách nhiệm gửi Bộ Công Thương báo cáo chi phí sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Trên cơ sở đó, các bên liên quan sẽ kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện, được mời tư vấn độc lập, sau đó công bố công khai thông tin về giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Trước ngày 15-7 hằng năm, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, trong trường hợp thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng hoặc giảm so với mức giá hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh. Ảnh minh họa: EVNSPC |
Giá điện sẽ được điều chỉnh thường xuyên hơn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS - Viện sĩ Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá nếu theo quy định hiện hành của QĐ24 thì biên độ điều chỉnh rộng hơn, số lần điều chỉnh giảm, tăng sự ổn định của giá cả thị trường. Nhưng nếu theo đề xuất của Bộ Công Thương thì tần suất điều chỉnh giá điện sẽ xảy ra thường xuyên hơn, tuy theo kịp với biến động thị trường nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của giá cả.
“Theo tôi, nên cân nhắc giữa hai yếu tố này, cái nào cũng có cái lợi và bất cập. Tùy tình hình và tính toán giữa 1% và 3% thì nên lấy mức nào cho phù hợp để bắt kịp những biến động của thị trường, vừa đảm bảo ổn định của giá cả” - ông Long nêu ý kiến.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chúng ta đang dần đi theo kinh tế thị trường, nên trước sau cũng phải xây dựng thị trường điện năng có tính thị trường thực thụ, các quyết định về giá điện sẽ phải có tính thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, với mức thông số đầu vào tăng 1% cũng thực hiện điều chỉnh thì giá điện sẽ phải điều chỉnh thường xuyên, tăng thường xuyên, gây ra nhiều phức tạp. “Các cơ quan quản lý cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng” - ông Thịnh nói.
Một số ý kiến khác thì băn khoăn về thời gian điều chỉnh tăng giá điện. Bởi trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, nếu giá điện được điều chỉnh tăng sẽ bào mòn thu nhập của các hộ gia đình trên cả nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Khi giá điện tăng, cuộc sống của người dân không chỉ chịu sự tăng giá của giá điện mà còn chịu sự tăng giá của các loại hàng hóa khác. Điều này cũng tác động xấu đến chỉ số lạm phát.•
EVN đề nghị được điều chỉnh giá điện kịp thời
Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát biểu bền vững của quốc gia tổ chức ngày 23-9, EVN cho biết trong năm 2022 đơn vị này gặp khó khăn rất lớn vì mức tăng đột biến giá nhiên liệu thế giới kể từ đầu năm. Mặc dù nỗ lực tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện… nhưng khó có thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm.
Theo EVN, giá bán điện dù được điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhưng do Nhà nước quy định và điều tiết theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên khó có thể điều chỉnh kịp thời theo biến động của chi phí đầu vào. Sáu tháng đầu năm, EVN ghi nhận khoản lỗ sau thuế 16.586 tỉ đồng.
Năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3-2019. Do đó, đại diện EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời, theo đúng quy định của QĐ24 trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện.