Nhân viên thu tiền điện tại nhà người dân ở P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 15-11 - Ảnh: T.T.D.
Đáng lưu ý nhất là thay vì EVN có thể tính toán, đề xuất tăng giá điện 5% như hiện nay thì theo quyết định mới, giá bán điện bình quân tới đây sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung với giá trần và giá sàn do Thủ tướng Chính phủ quy định (từ 2013-2015 sẽ ở mức 1.437-1.835 đồng/kWh). Điểm mới là mỗi lần tăng giá, sẽ “chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành”. Như vậy có nghĩa, sẽ không còn những lần tăng giá 5%, tương đương gần 100 đồng/kwh như trước, giá điện sắp tới sẽ tăng tối thiểu 7%. Theo quyết định của Thủ tướng, bù lại, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 06 tháng thay vì 3 tháng một lần.
Về cơ chế điều chỉnh giá điện, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động từ 7% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Điều kiện khá đơn giản: EVN chỉ cần báo cáo Bộ Công thương và trong 10 ngày, Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời để EVN thực hiện.
Trường hợp phải tăng giá từ 10% trở lên hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN phải làm theo quy trình: lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Quyết định của Thủ tướng cũng mở ra cơ chế thành lập Quỹ bình ổn giá điện, tuy nhiên, giao các bộ hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, cơ chế mới quy định hàng năm, EVN sẽ phải xây dựng phương án giá bán điện trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Theo C.V.KÌNH (TTO)