Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên luôn được học trò quý mến. Ảnh: NVCC

Những người giữ lửa nghề giáo - Bài 1

Gia đình nhà giáo nhiều thế hệ

(PLO)- Dù nghề giáo không giàu về vật chất, lại chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội nhưng có nhiều gia đình giàu truyền thống dạy học, có gia đình đến 3 thế hệ theo nghề. Điều gì níu giữ họ ở lại với nghề? Chỉ có tình yêu và nỗ lực từ bản thân để vượt qua tất cả.

Lương thấp, áp lực xã hội đã khiến nhiều giáo viên bỏ nghề, tìm việc khác. Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất ít. Vẫn còn rất nhiều người vì tình yêu trẻ, niềm đam mê với nghề giáo sẵn sàng cống hiến, nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ lửa nghề và hun đúc cho thế hệ mai sau.

Tới đường Liên tổ 4-11, đường Nguyễn Cửu Phú, huyện Bình Chánh hỏi gia đình thầy giáo Kiều Văn Sang và cô giáo Đặng Thị Hạ Liên, hầu như ai cũng biết.

Khi PV tới nhà, bà Hạ Liên đang chuẩn bị bữa ăn trưa trong bếp. Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng bà còn khỏe mạnh và rất minh mẫn.

“Nhà cô có bốn thế hệ nhà giáo”

Cha của bà Hạ Liên là ông Đặng Minh Hoàng (đã mất) từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. “Hồi đó, ông tham gia kháng chiến ở chiến khu Lắng Găng - Bình Thuận, được tổ chức phân công dạy bình dân học vụ cho mọi người, từ học chữ cho đến học tiếng Anh và học võ. Sau giải phóng, dù tuổi cao ông vẫn dạy xóa mù chữ ở địa phương. Cha không bao giờ la mắng con cái, ông dạy con biết ý thức bản thân và chủ động trong cuộc sống. Chính cách dạy của cha là tấm gương để tôi noi theo” - bà Hạ Liên nhớ lại.

Về phần mình, bà Hạ Liên thích nghề giáo từ năm học lớp 5. Thời chiến tranh, cuộc sống khó khăn nên việc học của bà Hạ Liên gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, sau nhiều lần phải nghỉ giữa chừng, bà vẫn quyết tâm học tập để được làm cô giáo.

Đầu năm 1968, bà lập gia đình với thầy giáo Sang là hiệu trưởng Trường Tiểu học cộng đồng Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Năm 1975, chồng bà được điều động về làm chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, bà Hạ Liên được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp 1, 2 Tân Kiên.

“Lúc được trao nhiệm vụ, tôi khóc vì lo lắng không đảm đương công việc do bằng cấp chưa đủ, kinh nghiệm còn thiếu. Tuy nhiên, được sự động viên của cấp trên và lòng quyết tâm của bản thân, tôi vừa làm vừa học. Thời điểm những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, chỉ có tình yêu nghề mới giúp tôi vượt qua tất cả” - bà Hạ Liên nói.

Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên luôn được học trò quý mến. Ảnh: NVCC
Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên luôn được học trò quý mến. Ảnh: NVCC

Ôm lấy mẹ, cô Kiều Nguyệt Hồng Liên (con gái đầu của bà), hiện là tổ trưởng chuyên môn tổ ngữ văn Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, tiếp lời: “Chị em chúng tôi chọn nghề dạy học như là lẽ tất yếu. Sinh ra trong gia đình nhà giáo, ba mẹ được nhiều thế hệ học sinh yêu thương, kính trọng nên chị em tôi đam mê nghề từ đó”.

“Người thầy đầu tiên của tôi chính là mẹ. Năm 1974 tôi học lớp 1, mẹ là cô giáo đầu tiên của tôi. Đang học, nghe tiếng súng nổ, tôi và các bạn lại phải trốn. Trong khi các bạn chui xuống gầm bàn, tôi lại nấp sau tà áo dài của mẹ. Giây phút đó tôi cảm nhận được sự chở che. Tà áo dài của mẹ là thế giới riêng của tôi. Và tôi yêu tà áo dài từ hình ảnh của mẹ tôi. Lại nhớ năm lớp 4, tôi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn trường. Dịp đó, cha tôi đại diện Phòng Giáo dục về dự lễ và cũng là người trao tặng giấy khen cho tôi. Thời khắc đó đến giờ tôi vẫn nhớ, cảm giác được cha xoa đầu động viên sao mà thiêng liêng, hạnh phúc và tự hào đến thế. Chính những điều đó từ cha mẹ khiến tôi càng quyết tâm theo nghề” - cô Hồng Liên bồi hồi nhớ lại.

Hiện gia đình bà Hạ Liên có bốn người con đang công tác trong ngành giáo dục, bà có ba cháu gái cũng đang dạy tiếng Anh.

Ngưỡng mộ cha nên quyết tâm theo nghề

Chiều cuối tuần, ghé nhà thầy Mai Thành Nam, hiện là thanh tra viên Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM, đúng lúc thầy và con gái Mai Đỗ Thúy Uyển đang trao đổi bài vở. Cô Thúy Uyển là giáo viên toán - tin tại Trường THCS-THPT Trần Cao Vân, quận 12.

Trước khi làm thanh tra viên, thầy Nam là tổ phó tổ toán - tin tại Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12. “Thúy Uyển là thế hệ thứ ba theo nghề giáo. Cha tôi là Mai Thành Hướng cũng làm công tác quản lý. Tôi theo nghề giáo là vì ngưỡng mộ cha tôi” - thầy Nam bày tỏ.

Thầy Mai Thành Nam đang trao đổi bài với con gái Mai Đỗ Thúy Uyển. Ảnh: NQ
Thầy Mai Thành Nam đang trao đổi bài với con gái Mai Đỗ Thúy Uyển. Ảnh: NQ

Cha của thầy Nam bị sốt bại liệt năm ba tuổi. Cơn sốt khiến chân bị teo. Chưa kể, do phải nằm trong thúng từ nhỏ nên cha bị gù lưng. “Dù đi lại khó khăn nhưng cha vẫn nỗ lực học tập để lên tới vị trí quản lý. Cha là tấm gương để tôi noi theo. Thế hệ học trò của cha đến giờ có những người đã ngoài 60 tuổi. Nhưng cứ đến ngày 20-11, mọi người lại hẹn nhau tại nhà tôi để họp mặt. Những năm trước, trong ngày này cha còn hát hò được, năm nay cha yếu hơn, chỉ nằm một chỗ” - đôi mắt thầy Nam rưng rưng.

Theo thầy Nam, nghề giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền kinh nghiệm sống, dạy học trò làm người. Điều này được thầy thường xuyên nhắc nhở với cô con gái Thúy Uyển. “Cứ mỗi dịp 20-11, học trò cũ về thăm ông nội và cha với sự kính trọng, tràn đầy tình cảm. Chính điều đó thôi thúc em theo nghề dạy học để sau này bản thân cũng được sống trong những giây phút như thế” - Thúy Uyển tiếp lời.

Tình yêu nghề giáo lớn dần khi Thúy Uyển lên cấp III. Niềm đam mê toán học, những con số, phép tính khiến em thấy thú vị. Thúy Uyển quyết tâm thi đậu vào ngành toán ứng dụng của Trường ĐH Sài Gòn.

“Khi biết tin em đậu vào ngành sư phạm, ông nội vỗ vai nói: “Con là thế hệ thứ ba trong nhà theo nghề giáo. Con hãy cố gắng giữ lấy truyền thống gia đình”. Còn cha động viên: “Khi đã chọn ngành toán, con phải nỗ lực hết mình vì học toán đã khó, học cách dạy toán để học sinh còn khó hơn nữa”” - Thúy Uyển nhớ lại.

Có cha dạy toán nên Thúy Uyển có lợi thế hơn những bạn đồng trang lứa. “Có những bài toán em không tìm thấy cách giải lại trao đổi với cha. Qua tranh luận, cha giúp em tìm ra được phương pháp nào tối ưu nhất. Khi lên lớp, em học cha phong thái giảng dạy và cách xử lý những tình huống sư phạm” - Thúy Uyển nói.

Để mọi người thương yêu

Cha mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi làm nghề sao để mọi người tôn trọng, học trò yêu mến. Chị em tôi chia sẻ với nhau những niềm vui trong công việc, những kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm, kể cho cha mẹ nghe về các học trò của mình. Chính tình yêu nghề và lòng tự hào về truyền thống gia đình là chất keo gắn kết để chúng tôi vượt qua khó khăn trong công việc. Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ sống và cống hiến để cha mẹ luôn an tâm và tự hào.

KIỀU NGUYỆT HỒNG LIÊN, giáo viên Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân

Quyết tâm thi vào nghề giáo vì đam mê

Sinh ra trong gia đình có cha và ông nội đều làm nghề giáo nên thầy Đỗ Kỳ Công, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Tân Văn, thích nghề dạy học từ nhỏ. Lớn lên, thầy quyết tâm thi vào sư phạm. Tuy nhiên, không giống bây giờ, ngày xưa thi vào đại học rất khó. Thầy chọn thi cao đẳng nhưng vẫn trượt nên phải học trung cấp nghề.

Sau khi học xong, thầy xin về xí nghiệp làm trợ giảng, tiếp tục học thêm để làm giáo viên chính thức. Sau 10 năm làm việc ở trường, thầy mở trung tâm ngoại ngữ và gắn bó cho tới bây giờ.

Thầy Đỗ Kỳ Công chia sẻ câu chuyện của gia đình. Ảnh: NQ

Thầy Đỗ Kỳ Công chia sẻ câu chuyện của gia đình. Ảnh: NQ

Trung tâm với hơn 500 giáo viên, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ cha nên việc quản lý trung tâm đối với thầy trở nên dễ dàng. Thầy luôn nhắc nhở các thầy cô giáo, đối tượng của chúng ta là học sinh. Các em như một tờ giấy trắng. Thầy cô phải viết lên đó những dòng chữ thật ý nghĩa để các em sau này trở thành những con người có ích cho xã hội.

Đọc thêm