Gia Lai: Khó thu hồi hàng chục tỉ đồng cho nhà thầu tạm ứng

(PLO)- Nhiều địa phương, đơn vị ở Gia Lai cho nhà thầu tạm ứng vốn nhưng thiếu quản lý gây nguy cơ thất thoát hàng chục tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Nguồn tin PLO cho biết Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi Sở Tài chính việc thu hồi hơn 27 tỉ đồng các nhà thầu chiếm dụng vốn tạm ứng hợp đồng quá hạn mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận.

Trước đó, cuối tháng 8-2024, UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó có nội dung giao Sở Tài chính đôn đốc các đơn vị thu hồi hơn 27,1 tỉ đồng nhà thầu chiếm dụng tạm ứng hợp đồng quá hạn.

UBND tỉnh cũng giao Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai thu hồi hơn 136 tỉ đồng tiền tạm ứng quá hạn của các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Khó thu hồi hàng chục tỉ đồng

Theo KBNN tỉnh Gia Lai, nhiều dự án có số tiền dư tạm ứng quá hạn kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi. Tính đến ngày 16-9, số dư tạm ứng cần phải thu hồi hơn 24 tỉ đồng. KBNN tỉnh Gia Lai tiếp tục gửi các văn bản đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi số tiền tạm ứng còn lại.

Gia Lai nhiều nhà thầu tạm ứng vốn quá hạn khó thu hồi, gây thất thoát
Chủ đầu tư dự án đường ra biên giới ở xã la O, huyện la Grai đã cho nhà thầu tạm ứng 10 tỉ đồng. Ảnh: LK.

Trước đó, ngày 13-9, Sở Tài chính Gia Lai có văn bản đề nghị KBNN tỉnh yêu cầu UBND huyện các huyện là chủ đầu tư các dự án có tạm ứng vốn đầu quá hạn phải thu hồi. Đề nghị này nhằm thực hiện kế hoạch do UBND tỉnh Gia Lai ban hành.

Theo KBNN, một số nhà thầu chiếm dụng vốn lớn, khó có khả năng thu hồi như Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Bình An có tổng dư tạm ứng hơn 20 tỉ đồng tại bốn dự án.

Các dự án chiếm dụng vốn nhiều năm như kè chống xói lở sông la Sol qua thị trấn Phú Thiện do UBND huyện Phú Thiện làm chủ đầu tư, số dư tạm ứng gần 3 tỉ đồng, kéo dài 11 năm.

Trong tổng dư nợ quá hạn hơn 27 tỉ đồng, đến nay chỉ mới thu hồi được hơn 3 tỉ đồng tại các dự án kè suối Hội Phú, TP Pleiku; đảo giao thông ngã ba Cheo Reo ở huyện Chư Sê.

Ai chịu trách nhiệm khi để mất vốn?

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tiền tạm ứng quá hạn chưa được tỉnh Gia Lai quan tâm, dẫn đến tổng số tiền tạm ứng quá hạn lên đến hơn 50 tỉ đồng. Trong đó, có một số khoản ứng để chủ đầu tư chiếm dụng quá hạn, kéo dài nhiều năm chưa thể thu hồi với hơn 27 tỉ đồng.

Gia Lai nhiều nhà thầu có vốn tạm ứng quá hạn khó thu hồi, gây thất thoát
Dự án hạ tầng khu lâm viên Biển Hồ do Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, vốn tạm ứng quá hạn hơn 1 tỉ đồng. Ảnh: LK.

Đặc biệt là bốn dự án do Công ty CP Xây dựng thương mại Bình An tạm ứng quá hạn, nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 20 tỉ đồng. Lý do là bà Trần Thị Quý Phượng, giám đốc công ty này đang chấp hành án 20 năm 3 tháng tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn.

Công tác thu hồi vốn tạm ứng tại Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai đối với một số dự án chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Đến thời điểm thanh tra, đơn vị này chưa có biện pháp hiệu quả để yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả vốn ứng quá hạn với số tiền hơn 305 tỉ đồng.

Mặc dù vốn tạm ứng đã quá hạn nhưng lãnh đạo Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai tiếp tục cho gia hạn thời gian thu hồi vốn tạm ứng là không có cơ sở, dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách không mang lại hiệu quả. Đến ngày 31-1-2023, Quỹ Phát triển đất tỉnh Gia Lai còn hơn 136 tỉ đồng quá hạn.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót trên thuộc về chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện liên quan; chủ đầu tư các dự án; giám đốc KBNN tỉnh, Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở VH-TT&DL, giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh, các cá nhân, tổ chức liên quan qua các thời kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm