Ngày 9-7, tại TP.HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà.
Ông Nguyễn Thượng Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ tích hợp Sao Nam cho biết, Việt Nam bùng nổ các hệ thống điện mặt trời. Việt Nam phát triển nhanh về năng lượng tái tạo và điện mặt trời mái nhà nhưng vấn đề an toàn, hiệu quả đang bị “bỏ quên”. Ba năm qua thị trường đã xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại là an toàn và hiệu năng.
Cụ thể đường dây điện từ các tấm quang năng điện đến inverter bị bong tróc hoặc jack cắm thi công không đảm bảo, bị lỏng lẽo tiềm ẩn rủi ro cao vấn đề cháy nổ từ các tấm quang điện.
Hơn nữa, với đặc tính góc nghiêng và hướng hứng nắng của các mái nhà khác nhau thì với công nghệ truyền thống khó đạt được điện năng tối ưu.
Đá ra điện, mái ngoái ra điện...giúp người dân tiết kiệm tiền điện
Mặt khác, hiện nay nay người tiêu dùng đang bị rối loạn vì giá lắp điện mặt trời mái nhà giá nào cũng có. Tương tự như trước đây, xe dream Trung Quốc muốn giá nào cũng có người bán, không biết chọn nhà cung cấp nào để mua.
"Bình quân giá lắp điện mặt trời mái nhà chất lượng 14-16 triệu đồng/kWp (kWp là mức công suất tối đa mà một hệ thống pin mặt trời có thể tạo ra) nhưng có đơn vị đưa ra giá chỉ 9 triệu đồng. Bên cạnh đó có trường hợp người tiêu dùng mua phải giá cao 20 triệu đồng/kWp nhưng về dùng chập chờn...", ông Quân nói.
Xe chạy bằng năng lượng mặt trời giá khoảng 25 triệu đồng/chiếc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Từ khi Quyết định 11 ban hành đến nay đã thu hút được 4.500 MW nối lưới. Khuyến khích người dân lắp đặt được khoảng 500 MW điện mặt trời mái nhà và hơn 400 MW điện gió đang vận hành. Năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo. Dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
Riêng điện mặt trời áp mái, dù rất tiềm năng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao. Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.