Giả Facebook tung tin thất thiệt
Mới đây, ca sĩ Pha Lê lên tiếng cảnh báo một Facebook giả mạo Đàm Vĩnh Hưng tung tin đồn thất thiệt là ca sĩ Duy Mạnh bị đột tử.
heo thông tin từ ca sĩ Pha Lê, có một tài khoản Facebook đã mạo danh “ông hoàng nhạc Việt”- Đàm Vĩnh Hưng tung tin đồn ác ý rằng, nam ca sĩ “Kiếp đỏ đen”, Duy Mạnh bị đột tử khi đang diễn ở Đà Nẵng khiến cho nhiều nghệ sĩ và khán giả hâm mộ không khỏi lo lắng.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những Facebook này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định, anh không có bất cứ một Facebook nào. Đại diện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết, việc đưa ra thông báo này là vô cùng cần thiết, bởi rất nhiều các tờ báo hiện nay đều lấy nguồn tin từ trang Facebook của nghệ sĩ mà không hề kiểm chứng.
Đồng thời, loại trừ việc các Facebook đưa tin bất lợi hay tạo những “scandal” không đáng có. Phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ không chịu trách nhiệm trước những phát ngôn phát ra từ các Facebook giả mạo.
Tương tự, một facebook giả mạo liên tục có những lời nói vô văn hóa, làm ảnh hưởng đến Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2010 – Uyên Linh. Uyên Linh bức xúc trước việc một facebook (được lập từ tháng 6/2011) tự nhận là trang cá nhân của cô và thường xuyên đăng tải những dòng chia sẻ thiếu văn minh; liên tục có những “status” sai sự thật và trực tiếp ám chỉ đến scandal tình cảm của Uyên Linh và nghệ sĩ guitar Dũng Đà Lạt, đại khái như:
"Sáng dậy sớm nhớ anh Dũng Đà Lạt ghê gớm...". "Mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam! Được sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo, đó là niềm tự hào và hãnh diện! Anh Dũng Đà Lạt cũng rất tự hào và hãnh diện vì Linh dạy anh ấy cách bỏ vợ!"...
Tố cáo hành vi vi phạm đến Cơ quan Công an
Để ngăn chặn hậu quả từ việc bị giả mạo trên facebook cũng như các trang thông tin điện tử nói chung, Chuyên viên Kiều Anh Vũ cho rằng trước hết người bị giả mạo cần phải tự bảo vệ chính mình, cần có biện pháp cho thấy đâu là thật, đâu là giả, chẳng hạn công bố thông tin trên trang chính thức của họ, có kèm chữ ký để tăng sự tin cậy; sử dụng truyền thông để thông tin chính thức,…
Về mặt pháp lý, có thể nhờ các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, đơn giản nhất là tố cáo hành vi vi phạm đến cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Một số facebook giả mạo Hoa hậu để bán hàng, quảng cáo khiến Mai Phương Thúy không ít lần khốn đốn vì bị hiểu nhầm. Phương Thúy cho biết chơi facebook từ vài năm trước, lúc đó chưa có nhiều người giả danh lắm. Tuy nhiên, sau một thời gian, có nhiều người giả mạo facebook của Thúy, đến nỗi cũng không kiểm soát được.
Nhưng lúc đầu trên các trang facebook giả đó, Thúy chưa thấy họ làm gì một cách quá đáng, đăng tải linh tinh nên nghĩ rằng để đó cũng được, không sao cả.
Gần đây, có vài trang có lượng ‘like’ lớn dùng hình ảnh của Thúy để quảng cáo, bán hàng. Thậm chí một trang facebook giả mạo có hơn 100 nghìn like còn quảng cáo cho một sản phẩm là đối thủ với sản phẩm mà hiện tại Thúy đang quảng cáo. Điều này khiến Thúy gặp rất nhiều phiền toái, bị bên quảng cáo gọi điện hỏi tại sao lại quảng cáo cho đối thủ nữa.
Cách đây vài tháng, Phương Thúy đã gọi điện cho trang facebook giả mạo kia nói cảm ơn vì đã lập một trang fanpage cho Thúy, đồng thời muốn xin lại trang đó vì quảng cáo như vậy rất ảnh hưởng tới Thúy, nhưng họ thản nhiên nói rằng: Không, bây giờ là facebook của họ, và còn đòi tiền nếu muốn được chuyển nhượng vì cho rằng họ đã giúp cô có rất nhiều bạn.
Có thể bị phạt tù đến 7 năm
Việc lập facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này.
Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân,…
Theo chuyên viên Kiều Anh Vũ, trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP).
Hành vi sử dụng facebook, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện (chẳng hạn như laptop…) được sử dụng để vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo facebook cùa người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Chẳng hạn, nếu dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa đến 03 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS (hình phạt tối đa đến 07 năm tù); “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS…
Với sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội hiện nay, tôi cho rằng để hạn chế việc giả mạo trang thông tin điện tử của người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm; người bị xâm phạm cũng cần có thái độ tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm, có biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm, tránh trường hợp mặc kệ, “không thèm chấp”, để hậu quả xảy ra mới tìm cách giải quyết…
Ngoài ra, về mặt pháp luật, tôi cho rằng Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần phải sớm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng Nghị định mới. Bởi lẽ Nghị định này đã được ban hành cách đây 6 năm, sự phát triển của internet và mạng xã hội trong thời gian qua là rất nhanh và mạnh, cần có sự điều chỉnh mới cho phù hợp; đồng thời cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm để tăng tính phòng ngừa, răn đe…, ông Vũ nhấn mạnh.