Giả người khuyết tật lê lết giữa đường ăn xin

Những ngày qua, đoạn clip một thanh niên kéo lê một người lê lết giả khuyết tật để ăn xin vào lề đường nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chúng tôi đăng bài viết này như một lời cảnh tỉnh.
Lòng thương hại bị đánh lừa
Tôi bị khuyết tật ở chân và đang công tác trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật. Hình ảnh người khuyết tật phải đi xin tiền hay thức ăn để nuôi sống bản thân luôn làm tôi thấy nhức nhối.
Tôi càng chua xót và tức giận hơn khi người ta lợi dụng hình ảnh khuyết tật để kiếm tiền từ lòng nhân ái của cộng đồng.
Đoạn clip mới đây được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội ghi lại cảnh nam thanh niên kéo lê người đàn ông bị tật hai chân, lê lết giữa lòng đường ăn xin. Khi bị kéo vào lề đường, người ăn xin bỗng dưng lập tức đứng dậy và đi lại khỏe mạnh. Người kia đã giả người khuyết tật để ăn xin.
Có lẽ nam thanh niên trong đoạn clip muốn lật tẩy chiêu trò của người ăn xin giả dạng để giúp mọi người không tiếp tục bị lừa. Hay để người đàn ông ăn xin không tiếp tục cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho bản thân khi lê lết giữa dòng xe đông đúc. Tôi tin việc làm của nam thanh niên xuất phát từ lòng tốt.
Một số người vẫn nghĩ người khuyết tật thì không thể làm gì cả. Họ phải sống dựa vào sự giúp đỡ của người thân hoặc xã hội. Có thể vì vậy, từ lâu hình ảnh người khuyết tật thường gắn với những hình ảnh người ăn xin, bán hàng rong, bán vé số… Và nếu là người khuyết tật thì dễ nhận lấy lòng thương xót của người khác hơn.

Người đàn ông giả khuyết tật nằm lê lết bên làn đường ô tô vẫy tay ăn xin, cản trở giao thông... 

...một nam thanh niên dừng xe lại kéo  ông vào lề đường. Ngay sau đó, ông đứng bật dậy đi lại bình thường (Ảnh cắt từ clip)

Xin đừng hiểu nhầm về người khuyết tật
Từ những suy nghĩ trên, nhiều người bèn nghĩ ra chiêu trò giả người khuyết tật để xin tiền, lợi dụng lòng nhân ái của cộng đồng để trục lợi. Mặt khác, điều này gây nên sự phân biệt, kỳ thị đối với người thật sự khuyết tật.
Lòng tự trọng của người khuyết tật rất cao. Nếu không thật sự rơi vào bước đường cùng, họ sẽ không lựa chọn việc ăn xin. Những người khuyết tật vẫn có thể lao động, làm việc như người bình thường nếu cộng đồng tôn trọng và cho họ sự bình đẳng. Thậm chí, nhiều ngành nghề thủ công, mỹ thuật lại là lợi thế của người khuyết tật để họ đóng góp tích cực cho xã hội.
Những năm công tác trong DRD, tôi gặp gỡ nhiều người khuyết tật, đa phần họ đến DRD đều gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không phụ thuộc vào tiền được hỗ trợ.
Năm 2008, LMD - người khuyết tật hai chân, hai tay yếu tìm đến tôi. Khi ấy D. đã tốt nghiệp phổ thông nhưng không có tiền để học tiếp đại học. D. khá rụt rè bày tỏ ước muốn được học tiếp. Sau khi tìm hiểu, quỹ học bổng của DRD đã hỗ trợ D. học bổng suốt bốn năm đại học. 
Sau khi ra trường, D. nhận được học bổng du học ở Úc và giờ đã trở thành giám đốc của một công ty nước ngoài. D. cũng quay lại đóng góp cho DRD và những người khuyết tật khác. Câu chuyện của D. cũng là một minh chứng sống động viên những người khuyết tật trong DRD vươn lên. Những câu chuyện vươn lên như D. không hiếm.
Điều người khuyết tật cần nhất là bình đẳng trong việc làm, học tập và các dịch vụ xã hội khác.

Thiếu quy định xử phạt

Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM, cho biết pháp luật hiện chỉ có một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn, cho thuê, mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn. 

Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định số 144/2013 quy định phạt tiền 10-15 triệu đồng với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn.

Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt 500.000-1 triệu đồng với cá nhân có hành vi ép buộc thành viên gia đình đi xin ăn hoặc lang thang kiếm sống.

Tuy nhiên, hành vi giả bệnh tật để xin ăn, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để xử lý.  


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm