Sổ tay

Giá như chương trình mới được chuẩn bị chu đáo hơn!

(PLO)- Chương trình mới nhưng cơ sở cũ, "nhân lực cũ" nên các trường khá áp lực.

Tuần qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức các tổ công tác giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại quận 1, quận 12, huyện Cần Giờ... ở TP.HCM.

Qua các buổi giám sát, đa số đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông. Chương trình hay nhưng quá trình chuẩn bị nguồn lực từ đội ngũ đến cơ sở vật chất chưa chu đáo, kịp thời. Vì vậy, địa phương lẫn trường học phải gồng mình xoay xở.

Tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12), dù trường đã đề xuất nhưng trang thiết bị dạy học được cung cấp quá chậm. Để đảm bảo thực hiện chương trình, giáo viên (GV) tranh thủ thời gian làm đồ dùng dạy học, tận dụng, “nhặt nhạnh” thiết bị cũ.

Trong chương trình mới có những môn học mới như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương chưa có GV được đào tạo nên trường phải phân một GV kiêm nhiệm nhiều môn hoặc bố trí GV có năng lực phù hợp đảm nhiệm.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), sĩ số phòng học đông, không đáp ứng việc dạy học hai buổi/ngày, trường phải mượn phòng học của trường khác để học sinh học.

Qua giám sát các trường khó khăn ở ngoại thành và trường có điều kiện ở nội thành, ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, băn khoăn khó khăn không nằm ở chương trình, sách giáo khoa mà ở khâu chuẩn bị biên chế GV, đấu thầu sử dụng ngân sách...

Chẳng hạn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại huyện Cần Giờ thiếu GV nhưng không được tự chủ trong tuyển dụng, cơ sở vật chất ít được quan tâm đầu tư. Theo ông Nghĩa, trong đổi mới giáo dục cần quan tâm hơn đến khu vực còn khó khăn để tạo công bằng chung và làm rõ vấn đề đang gặp phải ở đâu để tìm cách tháo gỡ.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bày tỏ nhiều trường đã tận dụng thiết bị cũ hay sáng tạo đồ dùng học tập để phục vụ chương trình. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, chương trình mới muốn đạt hiệu quả phải có thiết bị phù hợp. Hơn nữa, với quỹ thời gian hạn hẹp, GV có rất nhiều công việc không tên, họ không thể cứ thiết kế mãi...

Theo bà Hoa, đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này khác với những năm trước. Đây là một cuộc đại cách mạng khi thay đổi về cách tiếp cận, mục tiêu, phương pháp. Do vậy, dù khó vẫn phải thực hiện. Đối với giáo dục không được phép thử sai, quyết tâm làm, làm thận trọng, đi chậm, đi từng bước. Trong tất cả nguồn lực, đầu tư cho con người là quan trọng nhất. Việc đầu tư không chỉ là tập huấn, bồi dưỡng mà quan trọng hơn là tạo cơ chế, chính sách để đội ngũ yên tâm công tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới