Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Khó vẫn phải thực hiện

(PLO)- Gần ba năm qua, những bỡ ngỡ, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình đã được phản ánh ở nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều diễn đàn khác nhau...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm 2019. Gần ba năm qua, những bỡ ngỡ, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình đã được phản ánh ở nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều diễn đàn khác nhau và đến hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua 13-12, nhiều vướng mắc đã được chỉ rõ nguyên nhân cùng giải pháp tháo gỡ.

Những khó khăn, vướng mắc ấy có thể kể ra rất nhiều, đơn cử như tình trạng thiếu giáo viên (GV), khó khăn trong tuyển dụng hay lúng túng khi mua sắm trang thiết bị, rồi khâu in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương hay việc hướng dẫn chuyển đổi môn học tự chọn ở chương trình lớp 10…

Thực tế, dù gặp khó trong việc triển khai nhưng để đáp ứng chương trình, các sở GD&ĐT đều có những giải pháp để thực hiện tùy theo điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Tại hội nghị hôm qua, nhiều vấn đề tồn tại đã được lãnh đạo vụ, cục cũng như các thứ trưởng Bộ GD&ĐT lắng nghe, đưa ra giải pháp để tháo gỡ. Như một trong những nguyên nhân thiếu GV là do không có nguồn tuyển, việc thiếu nguồn tuyển là do chính sách tiền lương, chế độ chưa phù hợp. Do đó, Bộ GD&ĐT đang kiến nghị Chính phủ nâng mức phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, vấn đề này đang có những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, tuyển GV theo chuẩn cũ đến năm 2030 để đáp ứng chương trình cũng là một trong những giải pháp được đề xuất.

Những khó khăn trong việc mua sắm thiết bị do vướng các văn bản về thẩm định giá hoặc đấu thầu. Vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Do đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn nên tận dụng cơ sở vật chất cũng như thiết bị hiện có để dạy học, không phải vì triển khai chương trình mới mà thay mới toàn bộ thiết bị.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai dù còn nhiều vướng mắc, trở ngại nhưng ít nhiều đã có sự tác động đến các nhà trường, đến các GV. Nhiều đổi mới trong hoạt động dạy và học được các trường áp dụng, tổ chức; công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực hơn, giảm áp lực đối với người học…

Việc thực hiện chương trình sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, tuy nhiên ngành giáo dục xác định vẫn phải tiếp tục thực hiện vì đổi mới chương trình, sách giáo khoa là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, Quốc hội, của Chính phủ và từ chính nhu cầu của người dân.

Việc này phải làm đến cùng, không được đứt gánh giữa đường. Khó khăn ở đâu sẽ tìm cách tháo gỡ từng bước ở đó để học sinh được học một chương trình hoàn thiện từ cấp nhỏ nhất. Từ đó giúp phát triển phẩm chất và năng lực của các em, đáp ứng mục tiêu của chương trình đề ra. Trong đó mục tiêu quan trọng là giúp các em biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm