Tìm cách gỡ khó khi thực hiện chương trình mới

(PLO)- Trong điều kiện thiếu phòng học, thiếu giáo viên, trường học đã tổ chức dạy chéo buổi, bố trí giáo viên kiêm nhiệm để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo lịch làm việc, ngày 17-3, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM liên quan đến vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tìm cách gỡ khó khi thực hiện chương trình mới ảnh 1

Giờ học môn âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giáo viên chủ nhiệm phải dạy âm nhạc

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp), cho hay trường có 52 lớp với 2.345 học sinh (HS), tuy nhiên chỉ có 44 lớp với 2.012 HS học hai buổi/ngày và tám lớp với 333 HS học sáu buổi/tuần.

“Do sĩ số đông nên trường chỉ đảm bảo tổ chức 100% HS khối 1 và khối 2 được học hai buổi/ngày, không đủ phòng để tổ chức cho HS khối 3, 4, 5. Đối với khối lớp này, trường tổ chức cho các em học sáu buổi/tuần bằng cách tổ chức thêm một buổi học chéo buổi để đảm bảo số tiết dạy theo chương trình quy định” - bà Châu nói thêm.

Bà Châu cho biết thêm hiện nay dù đã tổ chức tuyển dụng nhưng trường vẫn không tuyển được giáo viên (GV) âm nhạc do không có GV đăng ký. Do đó, trường đã phân công một số GV chủ nhiệm thực hiện giảng dạy tiết học này.

Liên quan đến vấn đề trên, một đại biểu trong đoàn giám sát đặt câu hỏi liệu phân công GV chủ nhiệm dạy âm nhạc có đảm bảo được chất lượng?

Bà Châu thừa nhận GV chủ nhiệm dạy âm nhạc sẽ không thể bằng GV được đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, để đáp ứng chương trình thì đó là giải pháp. “Tôi khẳng định họ có thể đáp ứng về kiến thức cơ bản cần đạt, bởi trong chương trình đào tạo GV tiểu học nhiều môn có đề cập đến kiến thức về âm nhạc. Tuy nhiên, về lâu dài có GV chính quy sẽ tốt và hiệu quả hơn” - bà Châu nói thêm.

Dù đã tổ chức tuyển dụng nhưng trường vẫn không tuyển được GV âm nhạc do không có GV đăng ký.

Lên kế hoạch mở mã ngành sư phạm âm nhạc

Làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trong thời gian tới trường sẽ xây dựng hồ sơ mở thêm một số ngành đào tạo GV như sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật… để đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân lực đáp ứng việc giảng dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nói thêm về vấn đề này, ông Sơn cho biết trường sẽ không mở hai ngành cùng một năm, có thể cách nhau một hoặc hai năm.

Trước khi mở, trường cũng phải xem xét trên địa bàn TP.HCM về các đơn vị đang đào tạo ngành này. Hiện nay ĐH Sài Gòn, Học viện Âm nhạc quốc gia TP.HCM, ĐH Mỹ thuật đều có những ngành sư phạm liên quan đến lĩnh vực này. “Chúng tôi phải dựa trên sự cạnh tranh giữa trường mình và các trường cùng đào tạo, cũng như tỉ lệ chọn bộ môn này tại bậc THPT và định hướng tại bậc THCS để có căn cứ lập kế hoạch” - ông Sơn nói.

Hơn nữa, những năm gần đây, chỉ tiêu của ngành sư phạm dựa trên năng lực của ngành đó. Ví dụ, ngành có 10 người mới đủ điều kiện tuyển. Trong những trường hợp đó là những ngành rất đặc thù sẽ được vụ xem xét để trình, Bộ GD&ĐT ra quyết định.

“Một trong những thế mạnh của trường là có các phòng dạy thực hành mầm non và giáo dục tiểu học về các môn có liên quan đến âm nhạc và mỹ thuật. Bên cạnh đó, trường có chủ biên và tổng chủ biên hai môn này luôn nên trường có điều kiện để mở ngành học này, tuy nhiên phải dựa trên nhu cầu thị trường của ngành” - ông Sơn nói thêm.•

Chương trình mới liệu có giảm tải kiến thức?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã giảm tải số lượng môn học so với chương trình 2006. Bên cạnh đó, nó có những điểm nổi trội như có môn đạo đức ở lớp 1, hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc THCS.

Thứ hai, chương trình chú trọng về việc phát triển năng lực và phẩm chất nên không còn chú trọng việc ghi nhớ kiến thức, điều này thể hiện rõ ở bậc tiểu học.

Bên cạnh đó, trong chương trình, các môn học có tính hàn lâm cũng giảm bớt. Nó có những hoạt động học đi vào thực tế, ứng dụng thực tiễn. GS HUỲNH VĂN SƠN, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm