![]() |
Mặt hàng thịt lợn tăng giá nhiều nhất trong nhóm thực phẩm. |
Giá tăng... từng ngày
Trong hai tuần qua, những mặt hàng mang tính ổn định như gạo cũng tăng tới 6% so với giữa tháng 10, mức tăng phổ biến từ 1.000 - 3.000đ/yến. Tiếp đến là nhóm ngành thực phẩm, trong đó thịt lợn là nhóm ngành hàng tăng nhiều nhất.
Theo chị Nguyễn Hữu Phương - tiểu thương kinh doanh ở ô số 2 chợ Ngọc Hà (HN): "Giá thịt lợn tăng từng ngày, hiện nay giá lợn hơi đứng ở mức 32.000 - 35.000đ/kg, tăng thêm 5 giá so với tuần trước. Giá thịt gà, thịt bò vẫn ở mức cao. Mặt hàng thuỷ sản tăng từ 8 - 10%".
Gây "sốc" cho người tiêu dùng là nhóm ngành hàng sơ chế hoặc chế biến công nghiệp. Tính đến ngày 30.10, giá dầu ăn đã tăng 6 lần từ đầu năm đến nay, với mức tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm 2007. Hiện, giá dầu ăn phổ biến ở mức từ 23.000 - 25.000đ/lít, bột ngọt, mì tôm, nước mắm tăng trung bình từ 5 - 15%.
Mặc dù mặt hàng sữa là một trong những nhóm ngành hàng NK được giảm thuế, nhưng giá nguyên liệu đầu vào vẫn là một thách thức đối với nhà sản xuất. Nhiều hãng sữa thông báo giảm giá từ ngày 1 - 15.10, nhưng thực chất các loại sữa bột chưa có xu hướng giảm.
Ngược lại, giá sữa tươi, sữa tiệt trùng không ngừng tăng từ 16.500đ/lít lên 18.500đ/lít (tăng 12%), sữa đặc tăng từ 8.500 - 9.000đ/hộp lên 11.000 - 12.000đ/hộp. Mặt hàng gas đã chính thức tăng 20.000đ/bình so với thời điểm giữa tháng 10, giữ ở mức từ 225.000 - 235.000đ/bình.
Giá vật liệu xây dựng cũng tăng liên tục đến mức "chóng mặt". Sắt thép xây dựng tăng từ 5 - 10% so với thời điểm giữa tháng 10, ximăng tăng 5%. Các loại cát, sỏi, gạch cũng nằm trong cơn bão tăng giá (tuỳ cơ sở sản xuất).
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc siêu thị Vân Hồ (HN) - cho biết: "Sau khi có chính sách giảm thuế đối với 18 nhóm ngành hàng, một số mặt hàng đã có giảm giá, nhưng so với mặt bằng hàng hoá chung, số hàng hoá giảm không nhiều".
Tại TPHCM, theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) khu vực này, các loại tân dược cũng đang tăng giá, nhất là các loại kháng sinh.
Trung bình mỗi loại kháng sinh đều tăng 10.000 - 20.000 đồng/hộp như Cephalexin các loại chai, viên. Có loại tân dược giá tăng gần gấp đôi như Amoxicilin 500mg - ở thời điểm tháng 4 giá 45.000 đồng/hộp - thì nay đã lên đến 75.300 đồng/hộp (tăng gần 70%), Ampicilin 500mg cũng tăng từ 43.000 đồng/hộp lên 72.000 đồng/hộp.
Bên cạnh đó, hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều đồng loạt tăng giá với mức tăng đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cũng theo khảo sát của Chi cục QLTT TPHCM, giá heo hơi bán sỉ tại chợ Phạm Văn Hai trong 2 tuần gần đây đều tăng 1.000 đồng/kg mỗi tuần. Song song đó, giá gạo tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu cũng tăng 200 - 400 đồng/kg, trong khi các loại rau, củ, quả, thuỷ - hải sản dù tuần trước đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg, thì tuần này cũng tiếp tục nhích giá.
Giá đường trên thị trường cũng bắt đầu có biến động tăng thêm 500 đồng/kg dù cách đây một vài tuần giá đường ổn định, thậm chí giảm nhẹ.
Theo bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc hệ thống siêu thị Maximark cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, có nhiều nhà cung cấp, nhà sản xuất thông báo tăng giá, thậm chí nhiều nhà cung cấp báo tăng giá nhiều đợt với mức tăng tổng cộng từ 10 - 30%, trong đó riêng thực phẩm chế biến tăng khoảng 20%.
Tương tự, các siêu thị khác cũng cho biết hầu như sản phẩm, mặt hàng nào cũng được báo điều chỉnh giá tăng với mức điều chỉnh nhẹ nhất là 3-5%, cao nhất lên đến 20-25% và nhiều khả năng khó tránh khỏi đợt tăng giá nữa vào dịp cuối năm.
Biện pháp bình ổn chưa đủ mạnh
Theo nhận định của Sở Thương mại HN: Từ nay đến cuối năm 2007, giá cả thị trường còn có khả năng biến động do nhiều yếu tố của thời tiết, dịch bệnh nên ảnh hưởng đến nguồn hàng.
Mặc dù Sở Thương mại HN có khuyến khích các DN, đơn vị dự trữ, khai thác nguồn hàng hợp lý góp phần bình ổn giá thị trường, nhưng xem ra sức DN có hạn. Dự kiến thành lập Quỹ hỗ trợ DN dự trữ hàng tết vẫn đang được Sở Thương mại soạn thảo trình UBND TPHN.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, sức mua đối với các nhóm ngành hàng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tý sẽ tăng từ 30% trở lên so với Tết Đinh Hợi. Như vậy, đây sẽ là một trong những sức ép đối với thị trường đang nóng hiện nay!
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã tăng mạnh trở lại với mức tăng 0,74% so với tháng trước, nâng tổng mức tăng giá từ đầu năm đến nay lên 8,12%. Nhóm hàng có mức tăng giá cao nhất thuộc về nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng - tăng 1,51%, lương thực - thực phẩm tăng 1,11 - 1,19% so với tháng 9. Tuy vậy, tình hình giá thực tế các mặt hàng tại TPHCM hiện có xu hướng tăng hơn con số thống kê trên và vẫn đang trên đà tăng giá, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thống kê của Chi cục QLTT TPHCM cho thấy, giá phân bón tiếp tục tăng 500 - 1.000 đồng/kg (10%) nâng giá phân kali, phân urê lên 6.000 - 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường vật liệu xây dựng đang trên đà tăng mạnh, nhất là các loại sắt thép phi 16 và phi 20 tăng từ 4.500 - 7.000 đồng/cây, nâng giá thép phi 16 bán lẻ lên 198.600 đồng/cây, phi 20 lên 310.000 đồng/cây. Giá thép cuộn bán lẻ đã tăng lên ở mức 14,5 triệu đồng/tấn. Giá các loại gạch ống cũng đồng loạt tăng 50.000 đồng/thiên (1.000 viên). |
Theo X.Long - M.Thoa ( Lao Động)