Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới dừng lại ở mức 1.855 USD/ounce. So với cuối tuần trước, giá kim loại quý quốc tế tăng khoảng 50 USD/ounce, tương đương giá vàng thế giới quy đổi tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, nhờ đồng USD lao dốc.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, vào khoảng 53,5 triệu đồng/lượng. Đây là tuần tăng giá đầu tiên của thị trường vàng thế giới sau 4 tuần lao dốc, với tổng mức giảm vào khoảng 150 USD/ounce.
Cùng chiều với đà tăng của giá vàng thế giới, song mức tăng của thị trường vàng trong nước không tương xứng. Cụ thể, chiều cuối tuần 5-3, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn neo ở mức 66,2 – 66,9 triệu đồng/lượng (mua – bán), nhỉnh hơn 50.000 đồng mỗi lượng so với giá đóng cửa tuần qua.
Trong khi đó, vàng nhẫn tròn trơn 24K lại ghi nhận mức tăng rất mạnh. Đơn cử, tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng nhẫn 9999 được giao dịch quanh 53,7 triệu đồng/lượng mua vào, 54,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 450.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước. Cùng thời điểm này, mức tăng tại Công ty vàng bạc Mi Hồng là khoảng 350.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên trên thị trường vàng tự do, giá vàng 9999 ở chiều mua vào hiện chỉ khoảng 53,2 triệu đồng/lượng và ở chiều bán ra là 53,42 triệu đồng/lượng. Như vậy cả giá mua vào – bán ra của vàng nữ trang 24K trên thị trường tự do đang thấp hơn giá vàng thế giới từ 80.000 – 300.000 đồng/lượng.
Còn nếu so giá mua vào của một số doanh nghiệp lớn như Sacombank-SBJ hay Mi Hồng thì giá vàng nhẫn tròn trơn chỉ ngang bằng giá kim loại quý quốc tế.
Đầu tháng 2 vừa qua, thị trường vàng trong nước cũng từng chứng kiến cảnh giá vàng 9999 rẻ hơn cả giá vàng thế giới tới nửa triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, diễn biến mà cách đây nhiều năm chưa từng xảy ra thì giờ đây lại có xu hướng tái diễn thường xuyên hơn trong bối cảnh nhà đầu tư nội muốn dịch chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào kênh gửi tiết kiệm hơn và mua vàng tích trữ.