Giá vàng, giá dầu lập kỷ lục mới

Đến chiều cùng ngày, giá vàng miếng SJC bán ra tiếp tục tăng phi mã lên gần 73 triệu đồng/lượng, tăng 3,3 triệu đồng/lượng so với trước đó một ngày. Đây được xem là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC cũng được các doanh nghiệp nới rộng lên mức rất cao 1,8-2,2 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, giá vàng SJC hiện cao hơn thế giới tới 17,5 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người mua chịu rất nhiều thiệt thòi.

Trên thị trường thế giới, giá vàng sau khi vượt 2.000 USD/ ounce đã quay đầu giảm xuống còn 1.985 USD/ounce, tương đương với 55 triệu đồng/lượng.

Không chỉ giá vàng tăng phi mã mà giá dầu thế giới cũng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng, cộng thêm với việc khan hiếm nguồn cung. Cụ thể, đầu giờ chiều 7-3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao dịch ở mức 125,62 USD/thùng, tăng gần 10 USD so với phiên trước. Còn giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức kỷ lục mới 129,46 USD/thùng, tăng 11 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích của JP Morgan dự báo, giá dầu có thể tăng lên 185 USD/thùng trong năm nay. Còn các nhà phân tích tại Ngân hàng Bank of America nhận định nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới có thể bị thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng/ngày, thậm chí lớn hơn thì giá dầu có thể tăng lên mức 200 USD/thùng.

Với giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay thì phiên điều chỉnh vào ngày 11-3, giá xăng dầu Việt Nam có thể sẽ thiết lập kỷ lục mới. Giá xăng dầu tăng cao đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; làm chi phí đầu vào tăng cao, giá hàng hóa tăng, tạo áp lực lên lạm phát.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc giảm các loại thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu. Bởi hiện nay các loại thuế, phí chiếm tỉ trọng quá lớn cũng “góp phần” khiến giá xăng trong nước tăng quá cao. Ví dụ, các loại thuế, phí chiếm đến gần 45% giá thành bán ra của 1 lít xăng A95.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm